Ngân hàng

'Chính phủ là nhạc trưởng sửa vướng mắc tài chính vi mô'

(VNF) - Không gian hoạt động ngành tài chính vi mô đã được cởi bỏ, tháo gỡ vướng mắc khá nhiều nhưng vẫn còn không ít rào cản và/hoặc thiếu tính đồng bộ. Vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Chính phủ phải là “nhạc trưởng” sửa đổi các vướng mắc này.

'Chính phủ là nhạc trưởng sửa vướng mắc tài chính vi mô'

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "2019 là năm của tài chính vi mô". Ảnh Kim Yến

Ngày 12/12/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và các đối tác tổ chức Toạ đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện”. Mục đích buổi toạ đàm nhằm chỉ rõ và kiến nghị sửa đổi những vướng mắc, bất cập, cản trở không gian hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô.

Nan giải khái niệm “phi chính phủ”

Theo ban tổ chức, gần 3 thập kỷ qua, loại hình tổ chức tài chính vi mô đã góp một phần lớn trong thúc đẩy tài chính toàn diện. Những nỗ lực của cộng đồng này đã ghi dấu đáng kể trong việc đưa tỷ lệ hộ nghèo từ mức 9,6% năm 2012 xuống 6,7% vào cuối 2017.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC), chỉ ra một vướng mắc lớn nhất hiện nay là khái niệm “tổ chức phi chính phủ”. “Khái niệm tổ chức phi chính phủ không tồn tại trong thể chế nên Bộ Nội vụ không dám xác nhận các tổ chức tài chính vi mô là tổ chức phi chính như tại Quyết định số 20”, bà Lân nói với VietnamFinance.

Theo bà, trong Luật Các tổ chức tín dụng tại điều 161 có ghi: các chương trình dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ được phép hoạt động tài chính vi mô. Để được hoạt động thì phải xin xác nhận từ Bộ Nội Vụ.

Nhưng, khi sang Bộ Nội vụ, bộ này rà soát tất cả các văn bản pháp quy thì không có một khái niệm nào là “phi chính phủ” nên từ chối xác nhận. Mặc dù, tại Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 (hướng dẫn điều 161 nêu trên) đã giải thích: “Tổ chức phi chính phủ trong nước là hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các loại hình tổ chức xã hội khác do cá nhân, tổ chức thành lập hoạt động thường xuyên nhằm mục đích hỗ trợ phát triển, không vì mục tiêu lợi nhuận phù hợp với Điều lệ và quy định của pháp luật Việt Nam”.

Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: “Theo khoảng 14 văn kiện của Đảng thì thành tố chính trị bao gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và tổ chức quần chúng. Và như vậy, ở Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, để giải quyết mắc mớ này, chỉ nên ghi là các tổ chức hội đoàn. Chứ nếu bây giờ mà sửa hoặc thêm từ phi chính phủ vào các văn kiện của Đảng thì vô cùng nan giải”.

Cũng theo ông Nam, vì  mắc mớ này mà nhiều tổ chức hoạt động tài chính vi mô muốn được cấp phép đã bị chậm trễ.

Trên toàn quốc hiện nay, số trung tâm đang là thành viên của Nhóm công tác tài chính vi mô có 8 đơn vị, cùng đó là khoảng 100 chương trình dự án thực hiện tài chính vi mô dưới dạng trung tâm. Chưa kể, còn khoảng 480 chương trình dự án nằm ở các tổ chức chính trị xã hội và quỹ xã hội từ thiện. Kéo theo đó là số lượng 15 nghìn khách hàng, với dư nợ 150 tỷ và chất lượng dư nợ nằm trong ngưỡng an toàn chung toàn ngành.

Nguồn: Bà Đinh Thị Ánh Tuyết, đại diện tổ chức tài chính vi mô VietED

Chính phủ nên là “nhạc trưởng”

Có thể thấy, hoạt động tài chính vi mô đang hoạt động khá sôi động và không ít vấn đề vướng mắc phát sinh, từ việc cấp phép, xác nhận (như nói ở phần đầu) cho đến huy động nguồn lực, quản trị rủi ro. Nhận biết được vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “2019 sẽ là năm của ngành tài chính vi mô”, với hàm ý, cơ quan quản lý sẽ tập trung tháo gỡ và/hoặc kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc.

Trong phần thảo luận, đại diện vụ chức năng, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, hơn 10 năm trước, Chính phủ đã đóng khung một sứ mệnh cho tài chính vi mô: đó là phi lợi nhuận và người nghèo. Và cùng đó là giải quyết những vấn đề pháp lý cho hoạt động này, bao gồm từ lĩnh vực nghiệp vụ cho đến sứ mệnh hướng về đối tượng  thụ hưởng.

Theo ông Kiên, khuôn khổ pháp lý hiện nay không chỉ bị chi phối bởi Quyết định 20 nêu trên mà còn hàng loạt quy định khác như: nguồn vốn hoạt động lại liên quan đến Nghị định 93 và 38; tổ chức phi chính phủ nước ngoài lại liên quan đến Nghị định 12  (Bộ Ngoại giao tham mưu). “Và muốn sửa những cái này thì Chính phủ phải đóng vai trò nhạc trưởng điều hành thì mới đảm bảo hỗ trợ cho các bên liên quan”, ông Kiên nói.

Thứ hai, theo ông Kiên, với vấn đề huy động nguồn vốn nước ngoài có được hay không thì thực tế cho thấy, mặc dù Quyết định số 20 cho phép tiếp cận nguồn vốn này nhưng nhiều tổ chức lại không vay được. Lý do là tổ chức tài chính vi mô không phải pháp nhân mà chỉ là một đơn vị nhỏ thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.

Trong khi đó, quy định của quản lý ngoại hối, muốn vay vốn ngoại thì phải có pháp nhân. Trên thực tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội… không thể là pháp nhân trong giao dịch vay mượn kinh tế. Đó là một thực tế không dễ gì tháo gỡ được. Vậy nên, đặt vấn đề quỹ MOM đi vay ngoại tệ nước ngoài là xa vời.

Thứ ba, về vấn đề sở hữu, đặc biệt là với yếu tố nước ngoài, cơ quan quản lý cũng nhận thấy nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào Việt Nam có mong muốn khác hơn là làm tài chính vi mô. Khá nhiều tổ chức này vào và coi tài chính vi mô chỉ là một cấu phần nhỏ trong hoạt động của họ; Không ít tổ chức khác giao một phần vốn nhỏ cho các đối tác trong nước làm. Và điều này đã không phù hợp với sứ mệnh của tài chính vi mô là: hướng đến người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương.

Một chuyên gia nói: “Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến đặt vấn đề hoạt động tài chính vi mô nhưng đã đi sai lệch sứ mệnh; thay vào đó, mục đích lớn hơn của họ là kinh doanh. Khi muốn xã hội hoá thì cũng phải đặt vấn đề xã hội hoá đến đâu và phải xác định: không vì mục tiêu lợi nhuận, phân khúc là người nghèo”.

Các doanh nhân vi mô nhận giải "Doanh nhân vi mô tiêu biểu". Ảnh: Kim Yến

Tin mới lên