Tiêu điểm

Chính phủ sẽ không sửa Luật Đất đai trước năm 2020

(VNF) – Trong Chương trình 2019, Chính phủ đề xuất bỏ 2 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Chính phủ sẽ không sửa Luật Đất đai trước năm 2020

Chính phủ sẽ không sửa Luật Đất đai trước năm 2020

Sáng 10/4, bắt đầu phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Chương trình 2019 sẽ bỏ 2 dự án luật

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình năm 2019 sẽ điều chỉnh với 10 dự án, dự thảo văn bản luật. Trong đó, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình 2 dự án luật; lùi thời gian trình 1 dự án luật và bổ sung vào Chương trình 6 dự án (gồm 5 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh)

Cụ thể, 2 dự án bị đưa ra khỏi chương trình gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. 1 dự án được đề nghị lùi thời gian trình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

6 dự án được đề nghị bổ sung vào Chương trình gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Như vậy, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ là: tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật;

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 8 dự án luật (7 dự án do Chính phủ trình, 1 dự án do Tòa án nhân dân tối cao trình); và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 dự án pháp lệnh (tháng 12/2019).

Chương trình 2020 gồm 14 dự án luật

Về chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa vào 14 dự án luật. Trong đó, kỳ họp thứ 9 thông qua 8 dự án và cho ý kiến 5 dự án; kỳ họp thứ 10 thông qua 5 dự án và cho ý kiến 1 dự án.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 9, chương trình thông qua gồm 8 dự án, trong đó có 4 dự án được gối từ Chương trình năm 2019 và 4 dự án được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 (gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)).

Chương trình cho ý kiến gồm 5 dự án, trong đó có 4 dự án được lập đề nghị mới: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 1 dự án còn lại, Chính phủ đang tiếp tục đề xuất đưa vào Chương trình là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Tại kỳ họp thứ 10, chương trình thông qua gồm 5 dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương trình cho ý kiến gồm 1 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Vì sao lùi sửa đổi Luật Đất đai?

Là một trong những đạo luật quan trọng nhưng việc sửa đổi Luật Đất đai vẫn bị đưa ra khỏi Chương trình 2019. Theo giải thích của Chính phủ, việc rút dự án này ra khỏi chương trình là do hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…

Ngoài ra, ngày 06/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tán thành với đề nghị lùi hạn sửa đổi Luật Đất đai của Chính phủ và cho rằng trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai.

Trong khi đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nếu đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình thì cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý các vấn đề bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua.

Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với việc đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình năm 2019; tuy nhiên, về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vẫn còn có ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2020 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị, khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý đất đai, bảo đảm sự thống nhất của các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.

Loại ý kiến thứ hai, tán thành với Chính phủ về việc rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình để tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội sau năm 2020. Đối với những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và một số chính sách mới cần thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết trong năm 2019 để kịp thời xử lý, đồng thời, tạo cơ sở cho việc tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật.

Ủy ban Pháp luật cho hay hiện có nhiều ý kiến trong đơn vị này ủng hộ ý kiến thứ nhất.

Tin mới lên