Tiêu điểm

Chính phủ ‘xin’ Quốc hội ‘cứu’ 11 địa phương đang mắc kẹt với 500 tỷ tiền kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT

(VNF) – Hơn 500 tỷ đồng tiền kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 của 11 tỉnh thành đang trong tình trạng chưa được thanh toán.

Chính phủ ‘xin’ Quốc hội ‘cứu’ 11 địa phương đang mắc kẹt với 500 tỷ tiền kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT

Ảnh minh họa

Chính phủ mới đây đã có tờ trình gửi Quốc hội về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 (gọi tắt là kết dư quỹ khám chữa bệnh)

Theo tờ trình này, năm 2015, số kết dư quỹ khám chữa bệnh là 5.838 tỷ đồng. 20% để lại cho địa phương sử dụng (theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế) là 1.167 tỷ đồng.

Ngày 29/12/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các văn bản thông báo về 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương.

Các địa phương đã lên kế hoạch sử dụng 20% kinh phí này như sau: hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo 109 tỷ đồng; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng 294,5 tỷ đồng; mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh tuyến huyện 763,5 tỷ đồng.

Với riêng việc mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh tuyến huyện, hiện các địa phương đã hoàn thành thanh toán 230 tỷ đồng; còn 518,3 tỷ đồng tạm thời chưa thanh toán.

518 tỷ đồng chưa thanh toán này đang nằm ở 11 địa phương gồm: Hà Nội, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tuyên Quang, TP. HCM.

Theo quy định, việc sử dụng phần kết dư quỹ khám chữa bệnh để mua trang thiết bị y tế và mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện được giới hạn tới ngày 31/12/2020. Từ ngày 1/1/2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung.

Như vậy, việc mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa phương chỉ thực hiện trong một giai đoạn nhất định, đến hết năm 2020.

Do đó, Chính phủ cho rằng cần cho phép các địa phương được kéo dài thời gian thanh toán. Nguyên do được Chính phủ nêu ra là số tỉnh thành có kết dư quỹ khám chữa bệnh không nhiều: năm 2015 có 38 tỉnh thành nhưng năm 2016 chỉ có 12 tỉnh thành, năm 2017 chỉ có 4, còn năm 2018 dự kiến không có tỉnh thành nào.

Bên cạnh đó, trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế, nguồn 20% kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 là một trong những giải pháp quan trọng để cơ sở khám chữa bệnh có trang thiết bị để thực hiện dịch vụ và người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng.

“Việc cho phép kéo dài thời gian thanh toán số kinh phí này cũng là một giải pháp quan trọng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Cũng theo Chính phủ, nếu không cho các 11 địa phương kéo dài thời gian thanh toán thì theo quy định tại các Điều 13, 360, 361 và 419 Bộ luật Dân sự năm 2015, các địa phương sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho đơn vị cung cấp tài sản. Tuy nhiên Luật Ngân sách nhà nước và Luật Bảo hiểm y tế không có quy định nào về việc chi bồi thường thiệt hại này.

Muốn có khoản bồi thường, các tỉnh thành chỉ có thể trông cậy vào ngân sách địa phương nhưng đến thời điểm hiện tại, dự toán ngân sách địa phương năm 2019 đã được HĐND cấp tỉnh quyết định, trong đó chưa bố trí kinh phí để xử lý vấn đề này. Đó là chưa kể một số địa phương ngân sách còn khó khăn, không thể cân đối được để thanh toán cho các nhà thầu.

“Chính phủ trình Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020, tổng số tiền là 518 tỷ đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Tin mới lên