Bất động sản

Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp xử lý các dự án BOT để trình Quốc hội

(VNF) - Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tập trung hoàn chỉnh hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất

Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp xử lý các dự án BOT để trình Quốc hội

Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tập trung hoàn chỉnh hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022.

Theo Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, bảo đảm khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, khởi công dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 12/2022.

Bộ GTVT cũng được giao hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thành phần đi qua địa bàn các địa phương do UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung hoàn chỉnh hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; chủ động làm việc với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo giải trình, làm rõ các nội dung liên quan.

Bộ GTVT cũng có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan liên quan và UBND TP. HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng thực hiện dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó thủ tướng Lê Văn Thành được giao chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này trong tháng 11/2022.

Cũng theo Nghị quyết 143, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cho người có thu nhập thấp để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát, thực hiện nghiêm các quy định về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay liên quan đến các dự án bất động sản.

Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, tháo gỡ hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền. Tích cực thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành các kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; đồng thời, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau thanh tra đối với các kết luận thanh tra đã ban hành. Đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Công an được yêu cầu tập trung đấu tranh phòng, chống  tội phạm, nhất là tội phạm mạng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng trong thời điểm diễn ra World Cup 2022.

Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về các hành vi đưa tin thất thiệt ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, lợi ích quốc gia, dân tộc, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân, trong trường hợp cần thiết tiến hành khởi tố, điều tra, xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý. Tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả thuộc phạm vi quản lý.  

Quý độc giả có thểm xem toàn văn Nghị quyết 143 của Chính phủ TẠI ĐÂY!

Tin mới lên