Thị trường

Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ

(VNF) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ.

Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ

Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. (Ảnh minh họa)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo về nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, phân tích, đánh giá kịp thời những tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.

Trên cơ sở đó, chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành sản xuất, cân đối cung cầu hàng hóa trong nước và điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những vấn đề phát sinh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác có liên quan.

Đặc biệt là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật về chứng khoán và trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững và xử lý nghiêm các sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan này cũng được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô và đường vành đai 3 TP. HCM.

Cũng tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng nhà nước cũng được yêu cầu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai, đôn đốc, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng quốc gia (như cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đường bộ kết nối Tây Nguyên với miền Trung; các tuyến đường bộ cao tốc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long).

Bộ Giao thông Vận tải cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tin mới lên