Tài chính quốc tế

Chính quyền mới của Sri Lanka muốn Trung Quốc trả lại cảng thuê 99 năm

(VNF) - Đảng của tân Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho rằng việc cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược trong 99 năm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, do đó muốn hủy hợp đồng này.

Chính quyền mới của Sri Lanka muốn Trung Quốc trả lại cảng thuê 99 năm

Cảng Hambantota nằm ở phía nam Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg.

“Chúng tôi muốn họ trả lại cảng. Điều lý tưởng nhất là trở lại nguyên trạng ban đầu. Chúng tôi sẽ trả nợ đúng hạn theo cách chúng tôi đã đồng ý từ đầu mà không có sự xáo trộn nào”, ông Ajith Nivard Cabraal, cựu thống đốc ngân hàng trung ương và là cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vừa qua tại Colombo.

Phản ứng trước động thái của chính quyền Sri Lanka, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Sự hợp tác giữa Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được thực hiện trên cơ sở bình đẳng và tham vấn. Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để giúp Hambantota trở thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương".

Trung Quốc đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD vào Sri Lanka, gồm 8 tỷ USD thuộc dạng cho vay liên quan tới sáng kiến “Vành đai, Con đường”, trong đó có cảng biển Hambantota. Do không có khả năng trả hết nợ, vào năm 2017, Sri Lanka đã chấp thuận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) và anh trai Mahinda Rajapaksa - Thủ tướng Sri Lanka.

Các công ty Trung Quốc đã tuyển hàng nghìn lao động địa phương đến Sri Lanka để xây dựng đường cao tốc, cảng biển khổng lồ cùng nhà máy năng lượng quy mô lớn.

Với vị trí địa chiến lược ở phía nam Sri Lanka trông ra Ấn Độ Dương, nằm trên tuyến vận tải đường biển chính giữa châu Á và châu Âu, việc Bắc Kinh thuê cảng Hambantota đã gây lo lắng cho Ấn Độ cũng như các nước khác về nguy cơ nước này sử dụng nơi này cho các mục đích quân sự hoặc chiến lược trong tương lai. 

Các nhà phê bình phương Tây, trong đó có Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence, đã coi những động thái này của Trung Quốc là chính sách “ngoại giao bẫy nợ”, tức là dùng khoản vay cho các quốc gia nghèo hơn làm đòn bẩy để đạt được lợi thế chiến lược.

Nhiều chính khách và cả người dân Sri Lanka đã lên tiếng chỉ trích những dự án này. Một ví dụ là nhá máy nhiệt điện than 900 MW do Trung Quốc xây tại Puttalam khiến nhiều người dân phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

Nỗ lực lấy lại cảng biển chiến lược sẽ giúp chính phủ mới ở Sri Lanka, được điều hành bởi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai ông Mahinda Rajapaksa, người vừa tiếp tục được bổ nhiệm làm Thủ tướng Sri Lanka sau 2 nhiệm kỳ, thể hiện quyết tâm của họ trong việc thay đổi thỏa thuận được xem là gây tổn hại an ninh quốc gia. Đây cũng là vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử của ông Gotabaya Rajapaksa.

Xem thêm >> Chủ tịch Hội đồng châu Âu cáo buộc ông Trump đang hủy hoại EU

Tin mới lên