Tài chính quốc tế

Chính sách bảo hộ của Trump ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Việt Nam bán 20% hàng xuất khẩu cho Mỹ, là một trong vài quốc gia châu Á có Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn hơn Trung Quốc. Dù vậy, 32 tỷ USD thặng dư trong cán cân thương mại với Mỹ đã đẩy Việt Nam rơi vào tầm ngắm của Nhà Trắng sau khi Donald Trump yêu cầu nghiên cứu để xác định bất kỳ sự "lạm dụng thương mại" làm gia tăng thâm hụt giao thương của Mỹ.

Chính sách bảo hộ của Trump ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Ảnh minh họa.

Với chủ trương "chống gây hại cho kinh tế Mỹ", Tổng thống Donald Trump đã có những động thái quyết liệt nhằm làm rõ nguyên nhân thâm hụt thương mại và định hình lại chính sách mà ông gọi là "thương mại công bằng". Theo đó, các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã dần hé lộ. 

Báo động cho Việt Nam

Sắc lệnh đầu tiên (có thể gọi là sắc lệnh chống thương mại không công bằng), được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại của người tiền nhiệm Obama mà ông Trump cho là không công bằng, đã được công bố trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ  –  Trung và đối thoại kinh tế cấp cao Nhật – Mỹ.

Sắc lệnh thứ hai (có thể gọi là sắc lệnh chống bán phá giá), yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.

Phát biểu trong cuộc họp báo trước khi ký các sắc lệnh nói trên, Tổng thống Donald Trump khẳng định động thái trên sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh của lĩnh vực chế tạo Mỹ, ông nói: "Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước và tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ..."

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh tình trạng "đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt", đồng thời tuyên bố chính quyền của ông sẽ có hành động cần thiết và hợp pháp để chấm dứt các vụ lạm dụng thương mại. Ông Trump cũng cho rằng "hàng nghìn nhà máy đã bị đánh cắp khỏi đất nước" và cam kết tạo "sân chơi công bằng" cho người lao động Mỹ.

Có nhiều quốc gia khác cũng bị đặt trong tầm ngắm của Mỹ. Tuy nhiên, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia và Canada được Mỹ coi là trọng điểm.

Bảo hộ sẽ tác động ra sao?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã dội một gáo nước lạnh vào một số công ty, như trường hợp Công ty Cổ phần Phú Tài của Việt Nam, vốn sản xuất đồ nội thất cho các cửa hàng Wal-Mart. Từ việc áp đặt hệ thống thuế biên giới (border tax) cho tới thuế suất cao hơn, việc khởi động lại mối quan hệ thương mại của Mỹ đang đẩy công ty này rơi vào tình thế khó khăn vì Phú Tài có 40% doanh số xuất phát từ Mỹ.

Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Tài, cho hay: "Nếu lập trường bảo hộ thương mại trỗi dậy ở Mỹ thì điều này sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam".

Việt Nam bán 20% hàng xuất khẩu cho Mỹ, là một trong vài quốc gia châu Á có Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn hơn Trung Quốc. Dù vậy, 32 tỷ USD thặng dư trong cán cân thương mại với Mỹ đã đẩy Việt Nam rơi vào tầm ngắm của Nhà Trắng sau khi Donald Trump yêu cầu nghiên cứu để xác định bất kỳ sự "lạm dụng thương mại" làm gia tăng thâm hụt giao thương của Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố ủng hộ một hệ thống thuế điều chỉnh theo biên giới để khuyến khích hoạt động sản xuất hàng hóa ở Mỹ và giảm bớt các động lực để các công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài.

Trong báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại Credit Suisse Group AG là Santitarn Sathirathai và Michael Wan cho biết, thuế suất cao hơn đánh trên các nhà nhập khẩu ở Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam nhiều hơn mọi quốc gia châu Á nào, cụ thể làm giảm gần 0.9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

"Nếu Mỹ tạo ra làn sóng bảo hộ thương mại thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động vô cùng nặng nề", theo Alexsander Vuving, Chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (ACSS) ở Hawaii . Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Mỹ sẽ điều tra kỹ lưỡng các quốc gia nào có thâm hụt thương mại song phương lớn nhất để đánh giá xem họ đã bị tác động bởi "hành vi không phù hợp" như thế nào.

Tốt nhưng chưa đủ

CNBC hôm 31/5/2017 tường thuật, các nhà phân tích cho biết, trong khi chính quyền Trump hoan nghênh các hợp đồng mới ký với Việt Nam nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (29-31/5), phía Mỹ vẫn muốn thấy những chuyển động tích cực hơn về thương mại.

Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết, phía Hoa Kỳ cho rằng các hợp đồng vừa ký kết "là tốt, nhưng chưa đủ." Ông nói: "Mỹ muốn Việt Nam đưa ra một số đề xuất giải quyết thặng dư thương mại."

Hôm 30/5, đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bày tỏ quan ngại về tốc độ gia tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng của Mỹ với Việt Nam. Ông nói rằng đây là thách thức mới cho cả hai nước và trông chờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp giải quyết vấn đề này.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam năm ngoái đứng hàng thứ 6 về độ lớn, liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu như sản phẩm bán dẫn và điện tử của Việt Nam, hay những ngành truyền thống như giày dép, may mặc và đồ gỗ.

Việt Nam ngày càng gắn bó với thương mại toàn cầu, chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang một trung tâm sản xuất mọi thứ từ giày dép cho đến điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu vọt lên mức kỷ lục 177 tỷ USD trong năm 2016; trong đó giao thương với Mỹ chiếm tới 42 tỷ USD, gấp đôi so với thời điểm 5 năm trước. Điện thoại di động và các phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 27%.

Các số liệu thống kê GDP mới nhất cho thấy Việt Nam lệ thuộc vào hoạt động thương mại nhiều đến mức nào. Quyết định hủy sản xuất điện thoại thông minh Samsung Note 7 của Samsung hồi năm ngoái đã châm ngòi cho đà sụt giảm 11% trong hoạt động vận chuyển điện thoại và các phụ tùng trong suốt quý 1/2017.

Điều này đã góp phần giảm tăng trưởng kinh tế chỉ còn 5,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính trung bình 6,25% của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò do Bloomberg tiến hành mới đây.

Michael Michalak, Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN và từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể khai thác các cách nhằm giữ TPP "sống sót" ngay cả khi Mỹ không tham gia. Ông Michalak  nói thêm: "Vẫn còn đó một phương án thay thế. Đó là thiết lập thỏa thuận song phương hay thỏa thuận giữa một nhóm nhỏ với các quốc gia láng giềng hoặc các quốc gia Mỹ Latin dựa trên các cuộc đàm phán trước đó".

Tin mới lên