Diễn đàn VNF

‘Chính sách khó dự đoán, không minh bạch sẽ tạo cú sốc tiêu cực'

(VNF) - PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, “Một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, không minh bạch sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực".

‘Chính sách khó dự đoán, không minh bạch sẽ tạo cú sốc tiêu cực'

PGS-TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân), Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

PGS-TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân), Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 30 năm tương đối ấn tượng với mức tăng trung bình 6,5%, tốc độ thuộc loại cao và ổn định so với thế giới.

Quy mô kinh tế 2021 khoảng 363 tỉ USD, Việt Nam lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt gần 3.700 USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, thước đo GDP của Việt Nam còn gây tranh cãi.

“Từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế chậm lại do khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng như tác động bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng (dựa thuần túy vào vốn) đang đạt đến giới hạn và tác động của dịch COVID-19. Để tiếp tục tăng trưởng cần có những nhân tố mới”, ông Thế Anh.

Cùng với đó, ông Thế Anh cho rằng, nền kinh tế những năm gần đây có những điểm sáng như tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức một con số, cán cân thương mại liên tục thặng dư từ năm 2016, đầu tư nước ngoài ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng 10 lần trong giai đoạn 2010 - 2021…

“Tuy nhiên, nền kinh tế còn những thách thức nhất định như gánh nặng nợ công tăng nhanh, có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế trong thập niên tới nếu Việt Nam tiến hành các dự án có vốn đầu tư lớn”, ông Thế Anh nói.

Cũng theo ông Thế Anh, giai đoạn 2010 - 2021, nợ công tăng 3,2 lần, tốc độ tăng 11,3%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm; tỷ lệ nợ công/thu NSNN lại tăng những năm gần đây. Quy mô nợ công càng lớn thì nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Việt Nam đang dành khoảng 1/5 thu ngân sách cho nghĩa vụ trả nợ.

Minh bạch và ổn định chính sách

Đề cập đến các chinh sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ DN và cả nền kinh tế phát triển, ông Phạm Thế Anh đề cao sự ổn định, minh bạch, nhất là đối với tài khoá và tiền tệ.

“Một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, không minh bạch sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực", ông Thế Anh nhấn mạnh.

Về chính sách tài khoá, ông Phạm Thế Anh cho rằng cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công gồm hai chỉ tiêu là ổn định quy mô nợ công theo thu NSNN và kiểm soát nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách.

Ngoài ra cần cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới.

Thêm vào đó, chính sách tài khóa cần thực hiện theo hướng nghịch chu kỳ, cụ thể là những năm kinh tế tăng trưởng cao thì phải có thặng dư ngân sách để dự phòng cho thời điểm kinh tế xấu hơn. Điều này khác với chính sách thuận chu kỳ, là cứ dùng nguồn lực tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng càng cao thì chi tiêu càng nhiều, khi khó khăn xảy ra thì thiếu nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, phải tuân thủ theo quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng; kiểm soát cung tiền phù hợp. 

"Ví dụ, điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu ổn định lạm phát hay ổn định tỷ giá hay giảm tỷ lệ thất nghiệp thì chính sách tiền tệ thực hiện theo những mục tiêu này. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được, nếu không, họ không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn”, ông Phạm Thế Anh nêu quan điểm.

Tin mới lên