Tài chính quốc tế

Chính sách kiều dân: Trung Quốc và Ấn Độ đang áp dụng thế nào?

Cộng đồng Ấn kiều và Hoa kiều ở hải ngoại đều đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc và hai nước đều đang khai thác hiệu quả các nguồn lực này, nhưng họ đều đang bổ sung cho nhau những kinh nghiệm phong phú...

Chính sách kiều dân: Trung Quốc và Ấn Độ đang áp dụng thế nào?

Trung Quốc hướng tới mục đích đưa vốn và con người trở về ngõ hầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đầu năm nay, tại lễ kỷ niệm Pravasi Bharatiya Divas để vinh danh cộng đồng Ấn kiều tại nước ngoài, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu: "Chúng tôi đang biến chảy máu chất xám thành lợi ích từ chất xám".

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát biểu rằng Hoa kiều tại hải ngoại "có thể đóng một vai trò không thể thay thế trong việc hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc bởi họ có lòng ái quốc cũng như tiềm lực lớn về vốn, tài năng, nguồn lực và các mối quan hệ làm ăn".

Giống nhưng vẫn khác nhau

Với khoảng 15,6 triệu Ấn kiều và 9,5 triệu Hoa kiều ở hải ngoại (không tính khoảng 25 triệu người gốc Ấn và 48 triệu người gốc Hoa), Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có cộng đồng kiều dân lớn nhất thế giới. Hai nước này cũng có nhiều điểm chung về chính sách nhằm thu hút nguồn lực kiều dân nhằm hưởng lợi từ thành công của kiều bào, cho dù họ đều phải vật lộn với việc không có "quốc tịch kép" cùng các vấn đề về chất lượng cuộc sống có thể khiến những người muốn trở về tổ quốc ngã lòng. 

Bất chấp những điểm tương đồng này, cả hai nước đều tiếp cận cộng đồng kiều dân của mình theo những cách thức khác nhau. Trong khi Trung Quốc hướng tới mục đích đưa vốn và con người trở về ngõ hầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước thì Ấn Độ tập trung vào việc phát huy vai trò của cộng đồng Ấn kiều như là nguồn cung ứng sức mạnh mềm và chuyên môn cao ngay cả khi không trở về Ấn Độ. 

Không có nơi nào mà sự khác biệt rõ ràng hơn là ở cách thức mà các nhà lãnh đạo mỗi nước thể hiện khi tương tác với cộng đồng kiều dân của mình. Các lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi gặp gỡ các nhóm Hoa kiều ở hải ngoại trong các chuyến công du nước ngoài mà ưa thích các sự kiện chính thức được tổ chức trong nước như Hội nghị các Nhà công nghiệp và Doanh nhân Hoa kiều trên thế giới hay Hội nghị Hữu nghị các Hiệp hội Hoa kiều tại hải ngoại. 

Những cuộc gặp mặt như vậy khác một trời một vực với những bài diễn văn mang tính quốc tế của Thủ tướng Modi, qua đó Ấn Độ tương tác với những đồng bào hải ngoại của mình ngay tại nước cư trú của họ. Những cuộc gặp như thế này thu hút hàng ngàn người, giúp vun đắp cho quyền lực mềm của Ấn kiều và các quan chức Ấn Độ hy vọng rằng cộng đồng Ấn kiều có thể đóng vai trò như những "đại sứ không chính thức cho Ấn Độ tại đất nước của mình". 

Vai trò kinh tế của cộng đồng kiều dân đối với hai nước Ấn Độ và Trung Quốc cũng khác nhau rõ rệt. Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay coi cộng đồng Hoa kiều như nguồn cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong các thập niên từ 1990 đến 2000, cộng đồng Hoa kiều đóng góp ước tính từ 50 đến 70% tổng lượng vốn FDI Trung Quốc tiếp nhận được, trong khi tỷ trọng đóng góp của cộng đồng Ấn kiều cho Ấn Độ chỉ ở mức 3—4%.

Một phần lý do để Trung Quốc có thể thu hút được nhiều vốn đầu tư từ Hoa kiều như vậy là do nhiều Hoa kiều sinh sống ngay sát đại lục, ví dụ như tại Hongkong và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng chủ động tranh thủ cộng đồng này, chẳng hạn vào năm 1990 đã ban hành luật bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều trở về nước. Trong khi đó, cộng đồng Ấn kiều lúc này xa cách Ấn Độ cả về địa lý lẫn chính trị nên ít có ảnh hưởng tới tiến trình tự do hóa chính sách FDI của nước này. 

Học tập những kinh nghiệm

Tuy nhiên, gần đây, chính phủ Narendra Modi đang hy vọng cộng đồng Ấn kiều có thể học theo tấm gương của Hoa kiều. Sreeram Chaulia, trưởng khoa tại Trường đại học Jindal về các vấn đề quốc tế, đồng thời là tác giả một cuốn sách gần đây về chính sách đối ngoại của chính phủ hiện hành, lập luận: "Ngoài các mục tiêu khác, mục tiêu chính của học thuyết Modi về kiều dân là tối đa hóa nguồn vốn FDI từ cộng đồng Ấn kiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế". 

Ông Modi đã khuyến khích Ấn kiều đầu tư vào các dự án xã hội trong các lĩnh vực như cải thiện vệ sinh nông thôn và trong hai năm trở lại đây các quy định về đầu tư đối với người Ấn ở nước ngoài đã được nới lỏng. Vào ngày lễ Pravasi Bharatiya Divas năm nay, ông Modi thậm chí còn tuyên bố: "Với tôi, FDI có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài và ý nghĩa còn lại là sự phát triển trước hết của Ấn Độ". 

Ngoài đầu tư, Trung Quốc cũng tích cực thu hút các giới học thuật và doanh nhân trở về nước, chẳng hạn Chương trình Nghìn Tài năng được triển khai năm 2008 nhằm khuyến khích học giả và các nhà đổi mới nước ngoài, đặc biệt là người Hoa ở hải ngoại trong lĩnh vực khoa học công nghệ về làm việc tại Trung Quốc thông qua những lợi ích về tài chính cùng nhiều ưu đãi khác.

Trong khi Trung Quốc mời gọi Hoa kiều trở về bằng lợi ích, thì Ấn Độ làm rất tốt việc duy trì các mối liên hệ với cộng đồng Ấn kiều ở hải ngoại, đồng thời tận dụng các mối liên hệ trong nước, bất chấp việc nhiều Ấn kiều vẫn ở nước ngoài. Ấn Độ cũng đi xa hơn Trung Quốc trong việc nới lỏng các quy định về đi lại và cư trú cho cộng đồng Ấn kiều, giúp việc trao đổi qua lại diễn ra dễ dàng hơn. 

Lần lượt vào các năm 2002 và 2005, Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện cấp hai loại thẻ là thẻ Người gốc Ấn (Person of Indian Origin - PIO) và thẻ Công dân Ấn ở Hải ngoại (Overseas Citizen of India - OCI). Chính phủ của ông Modi cũng đã tiến thêm một bước bằng cách gộp chung hai loại thẻ này để nhiều Ấn kiều có thể được hưởng thị thực nhập cảnh Ấn Độ suốt đời cũng như những lợi ích nhất định về giáo dục và tài chính ở mức đáng kể so với những người có tư cách công dân. 

Hệ thống nói trên của Ấn Độ được cho là đã tạo cảm hứng để Trung Quốc có thể áp dụng "thẻ Hoa kiều hải ngoại" mà nhiều người đang xôn xao chào đón. Một blogger Trung Quốc đã ca ngợi viễn cảnh về một chiếc thẻ Hoa kiều, đồng thời nhấn mạnh rằng "tổng cộng 11 chiếc thẻ được cấp (tính tới năm 2010) đã thúc đẩy đáng kể số lượng người Ấn tài năng ở hải ngoại quay về cũng như thăm viếng quê hương". Tuy nhiên, Văn phòng Các vấn đề Hoa kiều của Hội đồng Nhà nước (Trung Quốc) tuyên bố cơ quan này không có kế hoạch phát hành thẻ Hoa kiều để cấp quy chế thường trú cho người Hoa ở hải ngoại. 

Trên tất cả, những khác biệt về chiến lược đối với kiều dân của hai nước có thể xuất phát từ những khác biệt trong hệ thống chính quyền của họ. Tại Trung Quốc, quan hệ với cộng đồng Hoa kiều đem lại những lợi ích về kinh tế và văn hóa, nhưng ít có lợi ích về chính trị. Nhưng ở một nền dân chủ như Ấn Độ, sẽ là khôn ngoan nếu tiếp tục duy trì mối liên hệ với cộng đồng Ấn kiều thông qua những bài diễn văn ở nước ngoài hay việc cấp thị thực cho họ. Và những chiến lược như thế này cũng rất đáng để Việt Nam tham khảo nhằm áp dụng cho cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. 

Tin mới lên