Tiêu điểm

Chính sách mới từ tháng 11/2022: Tăng lương cho lao động ngành bảo hiểm

(VNF) - Từ tháng 11/2022, nhiều chính sách mới, nổi bật bắt đầu có hiệu lực, như: cán bộ, công chức, viên chức bảo hiểm được tăng 80% lương; quy định cán bộ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ; doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước…

Chính sách mới từ tháng 11/2022: Tăng lương cho lao động ngành bảo hiểm

Cán bộ, công chức, viên chức bảo hiểm được tăng 80% lương từ tháng 11/2022

Tăng lương cho người lao động ngành bảo hiểm

Từ ngày 10/11, Quyết định 19/2022 có hiệu lực, quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với ba nhóm đối tượng sau đây:

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.

Việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn…

Tạm cấm cán bộ thành lập doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ

Theo Thông tư số 60/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, quy định 11 trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ.

Thời gian cấm là 1-2 năm sau khi thôi giữ chức vụ.

Đó là người làm quản lý thuộc lĩnh vực kế toán, kiểm toán; chứng khoán và thị trường chứng khoán; bảo hiểm; hải quan; giá; thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách Nhà nước; tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; dự trữ quốc gia; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; quản lý Nhà nước về ngân sách; tài sản công.

Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Thông tư số 12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/11.

Trong đó, Thông tư về quản lý ngoại hối vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có nội dung liên quan đến sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả.

Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.

Đối với việc báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay phải sử dụng trang điện tử để thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến theo quy định tại thông tư này.

Thông tư 12 cũng quy định một số khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Đó là các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm.

Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới

Có hiệu lực từ ngày 22/11, Thông tư 14/2022 của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017 ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.

Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện.

Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Quy định mới về bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất

Thông tư 61/2022 có hiệu lực từ ngày 20/11, quy định dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp trên mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm thì mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài ra, dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm có mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.

Đối với kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì mức kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới lên