Diễn đàn VNF

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam có thực sự hiệu quả?

(VNF) - Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM, thông qua việc nhìn vào diễn biến chỉ số HoSE, cho rằng chính sách tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế tác động của Covid-19 tới nền kinh tế quốc dân.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam có thực sự hiệu quả?

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam có thực sự hiệu quả?

Sau khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam và gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng bằng một loạt chính sách tiền tệ. Tính tới thượng tuần tháng 10/2020, cơ quan này đã 3 lần cắt giảm lãi suất.

Theo đánh giá của nhóm tác giả thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM - UEH (gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, ThS Nguyễn Văn Thiện Tâm, TS Đinh Thị Thu Hồng), chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch tới nền kinh tế.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu của dịch, chỉ số HoSE liên tiếp có những phiên giảm mạnh, điển hình là ngày 9/3 với mức giảm sâu nhất 6,28%. Trước hiện tượng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 và tới ngày 16/3 thì cắt giảm hàng loạt lãi suất.

Mặc dù phản ứng bước đầu của thị trường có vẻ khá tiêu cực với việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, khi xu hướng giá tiếp tục giảm mạnh và sâu cũng như chạm đáy vào ngày 24/3, nhưng nhóm tác giả của UEH cho rằng điều này không thể dẫn đến kết luận về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Nguyên do là Việt Nam chịu chi phối bởi những nước đi từ các thị thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Theo đó, đầu tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất khẩn cấp 0,5 điểm phần trăm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Cùng với đó, động thái hạ lãi suất xuống gần 0% của FED vào ngày 15/3 cũng đã kéo theo sự giảm lãi suất của hàng loạt các ngân hàng lớn khác thuộc Anh, Hàn Quốc... làm dấy lên tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về sự hồi phục của nền kinh tế dựa vào nới lỏng chính sách tiền tệ và bơm thanh khoản.

Diễn biến này tương thích với thị trường chứng khoán Việt Nam, vì sau khi giảm mạnh, trong giai đoạn từ 24/3 đến 17/4, chỉ số HoSE đã dần hồi phục.

"Điều này chứng tỏ phần nào đó sự có hiệu quả của chính sách tiền tệ cũng như việc ban hành thêm chỉ thị 02 của NHNN trong việc ứng phó cấp bách dịch bệnh và hỗ trợ các doanh nghiệp", nhóm tác giả UEH nhận định.

Cũng theo nhóm tác giả này, việc tiếp tục thông báo hạ lãi suất vào ngày 12/5 (có hiệu lực vào ngày 13/5) của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn phục hồi hậu giai đoạn 1 Covid-19 được xem là một bước đi hiệu quả trong việc hỗ trợ và kích thích hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ số HoSE mặc dù vẫn có xen kẽ những phiên giảm những đã hồi phục một cách khởi sắc hơn.

Đối với giai đoạn 2 Covid-19, khi ca nhiễm được xác định tại Đà Nẵng được công bố vào những ngày cuối tháng 7, thị trường chứng khoán đã xuất hiện những chao đảo và sụt giảm. Dẫu vậy, việc kịp thời đưa ra thông báo giảm lãi suất vào ngày 6/8 và hiệu lực của các gói hỗ trợ của giai đoạn trước vẫn còn nên thị trường đã nhanh chóng hồi phục. Mặc dù vẫn chưa đạt được mức điểm như thời điểm này năm 2019 nhưng đồ thị những ngày cuối tháng 9/2020 đã cho thấy xu hướng tăng giá và nhiều triển vọng.

Từ các phân tích này, kết hợp so sánh với chính sách tiền tệ một số quốc gia khác, nhóm tác giả UEH khuyến nghị, trước mắt, Chính phủ nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giảm một phần thiệt hại của đại dịch và tập trung vào một số lĩnh vực nhất định thông qua việc cân nhắc cắt giảm hơn nữa lãi suất. Điều này không chỉ tác động kích cầu mà còn tác động đến chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, từ đó kính thích tăng cung cho nền kinh tế.

Nhóm tác giả cũng khuyến nghị sử dụng chính sách tiền tệ thích ứng tùy thuộc vào từng giai đoạn. Mục tiêu ngắn hạn trong giai đoạn dịch bệnh này chủ yếu là tránh sự phá sản của các doanh nghiệp và sa thải nhân viên trên diện rộng. Trong trung hạn và dài hạn, các chính sách đưa ra nên tập trung vào việc sử dụng các gói kích thích tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục nền kinh tế.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng cần có biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện giãn nợ, sắp xếp lại các khoản vay của các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch và có cơ hội hồi phục trong tương lai.

Tin mới lên