Diễn đàn VNF

Chính sách thuế kìm hãm sự phát triển của quỹ đầu tư

Thời gian gần đây, mặc dù có sự trồi sụt, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với việc chỉ số VN-Index có lúc vượt ngưỡng lịch sử (1.171 điểm) thiết lập 11 năm trước đây.

Chính sách thuế kìm hãm sự phát triển của quỹ đầu tư

Chính sách thuế kìm hãm sự phát triển của quỹ đầu tư.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu ở hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM tăng cao, trung bình đạt tới 7.000 - 8.000 tỷ đồng/ngày, cá biệt có ngày lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2017 đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 75% GDP. 

Những con số trên cho thấy, TTCK Việt Nam sau gần hai thập kỷ hoạt động đã và đang đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn để phát triển kinh tế. Cùng với sự phát triển của TTCK, nhiều loại hình tổ chức kinh doanh chứng khoán mới trên TTCK Việt Nam đã xuất hiện, trong đó có các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư. 

Theo thông tin từ trang web chính thức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ chỗ chỉ có 1 đơn vị (năm 2003) đến nay số lượng công ty quản lý quỹ đang hoạt động đã lên tới 48. Cùng với đó, số lượng các quỹ đầu tư cũng tăng lên nhanh chóng qua từng năm.

 Nếu tính trong năm 2012 chỉ có 17 quỹ đầu tư với 2 loại hình quỹ đóng và quỹ thành viên, thì hiện nay đã tăng lên 30 quỹ đầu tư, trong số này có 6 quỹ thành viên, 5 quỹ đóng (cả 5 quỹ này đều đang trong quá trình giải thể), 17 quỹ mở và 2 quỹ hoán đổi danh mục (ETF). 

Đặc biệt, đã xuất hiện loại hình quỹ đầu tư mới như quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản (REIT). Nếu so với 17 năm hoạt động của TTCK Việt Nam thì sự tăng trưởng của ngành quản lý quỹ nói chung và quỹ đầu tư nói riêng là khá ổn định. Nhưng nếu so với tiềm năng phát triển cũng như nhu cầu của thị trường và đòi hỏi của nhà đầu tư thì những con số trên còn quá khiêm tốn và nhỏ bé. 

Lý giải vấn đề này, có quan điểm cho rằng, nguyên nhân chính là do quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhiều trong vài năm qua nhưng vẫn còn nhỏ bé, số lượng doanh nghiệp vốn hóa lớn không nhiều, thanh khoản thị trường còn hạn chế, thị trường vẫn chỉ được xếp hạng là thị trường cận biên. 

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng khiến cho các quỹ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn là do chính sách thuế đối với quỹ đầu tư hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Đáng kể nhất hiện nay là chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư như REIT, ETF, quỹ hưu trí tự nguyện… 

Cụ thể, đối với REIT, nếu được tổ chức dưới hình thức công ty, đầu tư chứng khoán bất động sản thì chưa có quy định về việc lợi nhuận chia cho các nhà đầu tư được trừ khỏi thu nhập tính thuế của quỹ. 

Mặt khác, nhà đầu tư khi chuyển nhượng bất động sản dưới hình thức góp vốn đều phải nộp thuế thu nhập (2% trên giá trị đối với cá nhân hoặc 20% phần lợi nhuận đối với tổ chức). Trong khi trên thế giới, đa số các nước áp dụng nguyên tắc thuế "thông qua" (flow through), trong đó REIT không phải chịu thuế thu nhập và chỉ áp dụng thuế đối với các nhà đầu tư khi được chi trả lợi tức. 

Bên cạnh đó, mức thuế đối với nhà đầu tư thông qua quỹ đầu tư hiện đang cao hơn nhiều so với việc họ đầu tư chứng khoán trực tiếp trên TTCK. 

Hiện tại các công ty quản lý quỹ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán. Trong khi Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành cho phép nhà đầu tư được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. 

Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán, nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư thì mức thuế suất cao nhất là 20%, còn đầu tư thông qua quỹ thì mức thuế suất tổng cộng lên tới 25%. So với nhiều TTCK phát triển thì mức thuế này còn khá cao và là một tác nhân làm cho các quỹ khó huy động vốn. 

Điều này làm hạn chế động lực đầu tư vào các quỹ của nhà đầu tư cá nhân và về lâu dài có thể gây trở ngại cho quá trình tái cấu trúc TTCK, bởi qui định này không hỗ trợ sự phát triển của loại hình công ty quản lý quỹ - một loại hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại Việt Nam hiện nay thuế đánh trên lãi vốn vẫn ở mức khá cao (20%) đối với nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân khi tham gia các quỹ đầu tư, trong khi tại một số nước khác như Trung Quốc hay Ấn Độ tỷ lệ này là thấp hơn nhiều. Đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn vốn cho nhà đầu tư tại Việt Nam và là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi cân nhắc lựa chọn đầu tư vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam. 

Thông lệ quốc tế cho thấy, hầu hết các nước phát triển thường ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư phát triển, nhất là đối với các quỹ đầu tư nội địa. 

Theo đó, các quốc gia đều áp dụng chính sách ưu đãi hay miễn thuế đối với các loại chứng chỉ quỹ của các loại hình quỹ mới như ETF, REIT… Tương ứng, để thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam, cần có cơ chế khuyến khích, trong đó thuế là một công cụ quan trọng. Cụ thể, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt là các loại hình quỹ mới như ETF, REIT và sắp tới là quỹ hưu trí tự nguyện. 

Tin mới lên