Công nghệ

Chính thức đề xuất bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng

(VNF) - Động thái mới rất đáng chú ý liên quan đến cộng đồng startup, theo đó đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo luật về việc bỏ điều 292.

Chính thức đề xuất bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng

Đề xuất này có thể trở thành tin vui đối với cộng đồng khởi nghiệp (start-up) tại Việt Nam.

Sáng 3/10, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đã chính thức đề xuất bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tội danh này được quy định tại điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 - một điều luật được nhắc đến nhiều nhất từ khi bộ luật này được ban hành. Đây cũng là điều duy nhất được đề xuất bãi bỏ khi sửa luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban tán thành với việc dự thảo luật bỏ điều khoản này.

Nhưng, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời sửa đổi lại cấu thành: mức thu lợi bất chính, doanh thu… cho phù hợp.

Ngoài bãi bỏ một điều, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần những quy định chung và 123 điều thuộc phần các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật.

Về tổng thể dự án luật, quan điểm của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của bộ luật.

Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của bộ luật hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc sửa đổi được thuyết minh là "không làm thay đổi những chính sách lớn của bộ luật đã và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015". Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự"cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm".

Trước đó, tại cuộc họp đặc biệt ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định gửi phiếu biểu quyết thông qua việc hoãn thi hành Bộ luật hình sự sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ 1/7 tới.

Đây là cuộc họp bất thường, để trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến những sai sót phát hiện được trong Bộ luật Hình sự mới trên cơ sở xem xét đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan và tình hình thực tế.

Đặc biệt, công luận lo ngại Điều 292 của Bộ luật quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể gây ra những khó khăn cho cộng đồng khởi nghiệp (start up) tại Việt Nam.

Sau cuộc họp bất thường hôm nay, được biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các đại biểu Quốc hội khóa 13 phiếu biểu quyết về nội dung hoãn hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 đến ngày 1/1/2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành.

Tin mới lên