M&A

Chính thức sáp nhập CIPM vào VEC

(VNF) - Sáng ngày 30/3/2021, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đã thực hiện Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Chính thức sáp nhập CIPM vào VEC

Sau Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục sáp nhập đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành, đảm bảo hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo duy trì hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Hợp đồng sáp nhập có hiệu lực từ khi có đầy đủ chữ ký của các Bên cho đến khi các Bên hoàn tất mọi quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng này.

Trước đó, ngày 8/3/2021, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký ban hành Quyết định số: 62/QĐ-UBQLV về việc sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam. Theo đó, thời gian hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021.

Sự cần thiết sáp nhập CIPM vào VEC

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được thành lập ngày 6/10/2004; Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) được chuyển đổi mô hình và thành lập vào năm 2011.

Cả 2 Tổng công ty được thành lập với cùng một mục tiêu là trở thành các doanh nghiệp nòng cốt của ngành Giao thông vận tải về đầu tư, xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, cả VEC và CIPM đều gặp khó khăn về nguồn vốn - không đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Đối với CIPM, việc hình thành vốn điều lệ theo mục tiêu thành lập không thực hiện được do cơ chế chính sách thay đổi, vì vậy hoạt động chính của CIPM từ khi thành lập đến nay vẫn là quản lý dự án như một Ban quản lý dự án của Bộ GTVT.

Do vậy, cần thiết thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm về quản lý dự án, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được Bộ GTVT giao.

Mặt khác, do sau khi thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phần giá trị tài sản và nhân sự xác định lại của CIPM không còn đủ điều kiện, chỉ tiêu xếp hạng của một tổng công ty nên cần thiết chuyển giao phần giá trị tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của CIPM về VEC (là một đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, nay thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với CIPM) để tăng năng lực cho VEC, góp phần vào việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của ngành GTVT.

Trên cơ sở thực tiễn của cả 2 doanh nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức lại CIPM và phương án đã được sự ủng hộ của các Bộ, ngành. Tại Văn bản số 9041/VPCP-ĐMDN ngày 20/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất về chủ trương phương án tổ chức lại CIPM theo hướng sáp nhập CIPM vào VEC; đồng thời thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một phần nhân sự và tài sản từ CIPM.

 

Tin mới lên