Tài chính quốc tế

Chính trường thế giới 2016 qua một bức hình: Duy nhất 1 người phụ nữ ở lại

(VNF) - Bức ảnh lãnh đạo 5 nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia cùng nhau trò chuyện hồi tháng 4 có thể tổng kết những biến động mạnh mẽ chính trường thế giới năm 2016.

Chính trường thế giới 2016 qua một bức hình: Duy nhất 1 người phụ nữ ở lại

Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong bức ảnh chụp hồi tháng 4. (Ảnh: Nhà Trắng)

Bức ảnh trên do nhiếp ảnh gia Nhà Trắng - ông Pete Souza ghi lại khi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Hanover, Đức, ngày 25/4. Trong ảnh, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Markel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang trò chuyện vui vẻ cùng nhau ở bên ngoài một căn phòng.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau hơn 7 tháng qua. Cả 5 nhà lãnh đạo sẽ không cùng nhau tiếp tục thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G5 lần tới, khi có thể chỉ còn một người duy nhất tham gia với tư cách là đại diện một quốc gia.

Hai lãnh đạo châu Âu "đứt gánh" giữa đường

Hai nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italia Matteo Renzi, đã phải từ chức chính vì quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về các vấn đề mà họ cảm thấy họ chắc chắn sẽ thắng. Nhưng cuối cùng, sự nghiệp chính trị của họ đều "đứt gánh", ít nhất trong tương lai gần.

Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 được công bố, Thủ tướng David Cameron đã quyết định từ chức. Với 51,8% người dân Anh ủng hộ việc Anh tách ra khỏi EU, ông Cameron rời ghế thủ tướng và nhường vị trí cho bà Theresa May. Ông Cameron ủng hộ Anh ở lại EU và cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng về kinh tế nếu rời khỏi khối. Quyết định rời EU của Anh là một trong những sự kiện nổi bật của thế giới trong năm nay.

Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đều tuyên bố từ chức sau thất bại của các cuộc bỏ phiếu.

Trong một động thái gây bất ngờ mới đây nhất, Thủ tướng Italia Matteo Renzi ngày 5/12 tuyên bố ông sẽ nộp đơn xin từ chức sau 2 năm cầm quyền. Quyết định của ông Renzi được đưa ra sau khi đề xuất cải cách hiến pháp do ông đề xướng không vượt qua được cuộc trưng cầu dân ý tại Italia ngày 4/12. 

Với tỷ lệ phản đối cải cách mới là 60%, Renzi nói ông chịu trách nhiệm trước "thất bại rõ ràng" này và thông báo nhiệm kỳ "chấm dứt tại đây". Việc Thủ tướng Renzi từ chức làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn bất ổn chính trị mới, thậm chí có thể gây ra sự xáo trộn về kinh tế tại Italia. Giới phân tích cho rằng đây là sẽ là cú sốc mới cho EU sau các cuộc khủng hoảng trong năm nay.

Hai Tổng thống Pháp - Mỹ "tạm biệt" chính trường

Theo kế hoạch, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017, ông Obama sẽ rời nhiệm sở sau 8 năm lãnh đạo đất nước. Chiến thắng của tỷ phú New York trong cuộc đua vào Nhà Trắng là một bất ngờ lớn với thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định các di sản chính sách được dày công xây dựng dưới thời tổng thống Obama sẽ khó đứng vững khi người kế nhiệm ông có thể dễ dàng phá vỡ.

Trong khi đó, hôm 1/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm tới. Được biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958 mới có một vị đương kim tổng thống không ra tái tranh cử.

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ rời nhiệm sở.

Việc Tổng thống Hollande quyết định không tái tranh cử dù mới trải qua chỉ một nhiệm kỳ Tổng thống Pháp khiến đảng Xã hội của ông phải tìm người thay thế trong bối cảnh đang bị bỏ xa về tỷ lệ ủng hộ của cử tri.

Theo một cuộc thăm dò dư luận trong tháng 2/2016, uy tín của tổng thống Pháp sụt giảm xuống còn 20%, và trong tháng 6/2016, con số này còn tệ hại hơn khi chỉ có 12% người dân Pháp còn tin tưởng ông.

Duy nhất Thủ tướng Đức tại vị

Trong bức ảnh, chỉ duy nhất có Thủ tướng Đức Angela Markel chưa thông báo về ý định rời nhiệm sở.  Sau 11 năm cầm quyền, bà Merkel tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tại Đức vào năm tới.

 Duy nhất có Thủ tướng Đức Angela Markel vẫn tiếp tục tại vị sau 11 năm nắm quyền.

Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử của Đức sẽ diễn ra năm 2017. Dù nhận được sự tín nhiệm của người dân, bà Markel cũng đang đối mặt với sức ép từ phe dân túy vốn không ủng hộ chính sách tị nạn.

Sự thận trọng của bà Merkel

Bức ảnh chụp chung của 5 nhà lãnh đạo cho thấy sự biến đổi mạnh mẽ của nền chính trị tại 5 cường quốc hàng đầu thế giới trong chưa đầy một năm qua, báo hiệu những thay đổi khó lường có thể diễn ra vào năm tới 2017. Đến cuối năm 2016, tình hình thế giới đã khác hẳn so với thời điểm đầu năm.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao bà Merkel, người đã lãnh đạo nước Đức trong 11 năm, vẫn còn nắm quyền trong khi phần lớn các lãnh đạo phương Tây khác đã bị thay thế?

Tờ Washington Post cho rằng, đó là do đặc điểm lãnh đạo của bà Merkel: sự thận trọng. 

Tin mới lên