Thị trường

Chợ Việt xưa và nay: Kỳ vọng về chợ nổi Cái Răng năm 2022

(VNF) - Từ nhà kiến trúc sư Võ Minh Lạc tới chợ nổi Cái Răng chỉ cách vài chục mét, khi tôi nhìn hoàng hôn xuống chợ nổi có gì đó man mác, còn thì KTS Lạc nói đó là nỗi xốn xang.

Chợ Việt xưa và nay: Kỳ vọng về chợ nổi Cái Răng năm 2022

Người xưa nói chợ nổi ra đời từ huyền thoại kênh đào. Năm 1854, khoảng 50 người dân xin khẩn 200 mẫu đất và mở rộng làng Thường Thạnh (thị trấn Cái Răng ngày nay), theo E.Deschaseaux ghi chép. Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, bắt đầu cuộc viễn chinh. Đến năm 1867 khi chiếm 3 tỉnh miền Tây, Pháp đã cho đào kênh Cột Cờ, Kỳ Hôn, Phú Túc và Duperré (Chợ Gạo), đường bộ từ Sài Gòn nối miền tây chỉ mới tới Mỹ Tho đại phố.

Thủy lộ vẫn là con đường kết nối miền tây với các đô thị. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) vùng này là làng Thường Thạnh. Năm 1893, quan nhân Pháp là Duval và Guéry trình dự án đào kênh Snor (Xà No) lên quan toàn quyền De Lanessan. Đấu thầu dự án tại Paris, đến năm 1901, Công ty Montvenoux trúng thầu, chính thức khởi công. 4 chiếc xáng chạy bằng hơi nước, gầu bằng sắt, công suất 350 mã lực, múc đất, thổi bùn ra xa 60m. Dân phu vận chuyển củi đốt nồi hơi nước, làm ngày, làm đêm. Đến tháng 7/1903, công trình đào kinh xáng Xà No dài 40 cây số, mặt rộng 60m, đáy rộng 40m, được hoàn thành với chi phí 3.680.000 quan (Franc). Đó là chìa khóa vàng mở ra con đường lúa gạo tây sông Hậu.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) đã giao đất cho Guéry tại vùng kênh đào thuộc làng Nhơn Nghĩa, tổng Định Bảo ( thuộc Cần Thơ ngày nay) theo Nghị định số 338 ngày 14/2/1901, biến vùng đất hoang tây sông Hậu thành đất thuộc (đồn điền) và thu hút điền chủ mở rộng khai hoang. Khi kênh Chợ Gạo thông thương thì lúa gạo miền tây trở thành nguồn cung rất lớn cho thị trường Hương Cảng. Theo số liệu năm 1899, mỗi năm Nam Kỳ xuất cảng được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Snor trở thành con đường tiếp vận cho khu xay xát lúa gạo Cái Răng, lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên 1,3 triệu tấn.

Le Cisbassac ghi lại: “Krôk Kran (rạch Cái Răng) cứ lấy điển này làm chắc. Đồn điền tây mọc lên thì triều đình Huế lo lập làng, người Minh Hương làm chành vựa, xay xát lúa gạo. Ghe thuyền tấp nập mua bán, vận chuyển lúa gạo. Thời bấy giờ, làng Tân An lập nhà việc (Ninh Kiều ngày nay) nhưng sức sống không bằng Cái Răng.

Chợ nổi là một phần của Cái Răng Ngũ Xá. Lúa từ Tây sông Hậu về Cái Răng xay chà rồi chuyển về Chợ Lớn. Dần dần nhóm thương hồ nông sản biến nơi đây thành chợ bán sỉ rau trái cho bạn hàng về các chợ nhỏ hơn hay về vùng sâu bán lẻ. Chợ nổi phân bố từ vàm sông Cần Thơ, một khu nối với chợ nhà lồng cổ, một phần tập trung khu chành vựa- nhà máy xay, và khu logistics chuyên đóng, sửa ghe thuyền (thuộc huyện Phong Điền ngày nay). Các phiên bản ở chợ nổi Ngã Bảy, Ngã Năm Thạnh Trị, Cà Mau, sông Đốc… tương tự nhau.

Giữ lấy phần hồn chợ nổi

GS Vũ Đức Vượng, trong cuộc nói chuyện về văn hóa giao thông sông nước, xem thương hồ là nơi ứng xử văn hóa bậc nhất. Dân thương hồ có luật ứng xử trên sông nước trước khi có luật giao thông thủy như bây giờ. Từ lâu, từ cách lái thuyền theo sóng nước cho tới cách hành xử - thấy người gặp nạn phải cứu, thấy người chết phải vớt, chôn cất, thấy vực sâu, nước xoáy thì lập miếu thờ và cảnh báo; gặp cướp bóc hay thủy quái thì đoàn kết chống lại, thấy người cô thế thì che chở, thấy linh thần thì thờ phượng…

Nếu chợ đất liền, dân anh chị, dân đứng bến sẵn sàng thanh toán nhau thì dưới nước, dân thương hồ dù “chữ không đầy lá mít” nhưng tứ hải giai huynh đệ chứ không tranh ăn, không hiếp đáp… Hành xử nghĩa hiệp, mua bán hào sảng, nói một chục nhưng có thể là 12, 14, 16, 18 trái… Mua bán trên sông vào ban đêm, không cân gian, không bán lận. Cây bệu treo thứ gì thì bán thứ ấy. Hết hàng thì hạ bệu, qua giúp ghe khác. Mua bán kiểu thương hồ là cách sống, chia sẻ cơ hội.

Chợ nổi đang chìm”, “Cứu lấy chợ nổi - di sản phi vật thể ”… là những thông điệp cứu rỗi. Hàng chục tỷ đồng đã được các doanh nhân góp vào để làm bờ kè, đài quan sát… nhưng chợ nổi chưa thể đổi thay! Các công ty du lịch nói đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử hoành hành nên không còn bóng dáng du khách ở chợ nổi huyền thoại này. Một vị giám đốc điều hành một công ty du lịch tầm cỡ nói rằng dịch bệnh hoành hành nên không thể cứu trong lúc này, phải chờ đợi, kêu gọi đầu tư xây dựng kỹ nghệ không khói.

Hầu hết kịch bản giải cứu chợ nổi không quan tâm tới những mối liên hệ khác kể cả khu chợ trên bờ kết nối với chợ nổi; ngay cả bờ kè, bến nước cũng chia cắt. Du lịch lại sinh ra cảnh chèo kéo, đeo vè, thách giá và đồ ăn thức uống không mấy vệ sinh. Chợ nổi ngày xưa không bao giờ có hình ảnh đó. Vấn đề của chợ nổi bây giờ là những kịch bản hồi sinh không đặt trọng tâm vào dân thương hồ, không quan tâm tới cách sống của chợ nổi. Giờ đây, đường bộ phát triển nên thủy lộ bộc lộ điểm yếu, nơi nào cũng có chợ - cần gì chợ nổi… Một cách nghĩ hết sức lạnh lùng!

Tuy mất mát theo thời gian khá nhiều từ hệ thống chành vựa một thời sung túc tới làng đóng ghe xuồng nổi tiếng và những làng nghề cần mẫn phụ trợ cho kinh doanh lúa gạo, nhưng ở đây còn những di tích, những ngôi nhà xưa, những gia tộc khẩn hoang lập làng Thường Thạnh và con cháu của những điền chủ, những người khẩn hoang. Vẫn còn những câu chuyện, hình ảnh, món ăn, văn hóa, cuộc sống… Thay vì làm du lịch với những kịch bản sự kiện, kết tour, lễ hội mỗi năm một lần… sao không tạo hệ sinh thái nối kết những ý tưởng, những trang trại, các HTX, nhà vườn- biến nơi đây thành khu chợ bán toàn rau trái hữu cơ, sinh thái?

Từ xưa, chợ nổi là nơi bán đủ loại rau củ quả. Giờ đây, chợ nổi ứng dụng công nghệ, hàng hóa đạt chuẩn có thể truy xuất nguồn gốc là nét khác biệt, có thể giúp dân thương hồ cải thiện sinh kế; kết nối đời thực với không gian ảo, du khách thập phương sẽ nhìn thấy sức sống hồi sinh, niềm vui trở lại. Cách sống an nhiên, hào sảng của dân thương hồ sẽ là đất lành cho những tao nhân, mặc khách “tìm sự lạc quan cho những tâm hồn vừa chớm bi quan”.

Theo KTS Võ Minh Lạc, chợ nổi rồi đây nên được tồn tại trong mối quan hệ của một quần thể di tích ở Cái Răng, chỉ cần định vị sản phẩm du lịch rõ ràng, kết nối chợ trên bờ với chợ nổi sẽ có nhiều cách để dân thương hồ nhìn thấy tương lai. Cái Răng, Phong Điền hợp tác kết nối nhiều chủ điểm khác trong mạng lưới du lịch trải nghiệm, nuôi dưỡng ý tưởng cho những đêm rằm ở chợ nổi nghe đờn ca tài tử, những cuộc vui đối đáp kiểu thương hồ, kể cả chuyện ma trong đêm trừ tịch… cũng làm cho biết bao người tìm tới. Chợ nổi cần tấm lòng với thương hồ chứ không cần những kịch bản gióng trống bỏ dùi… Hiểu đúng phần hồn chợ nổi thì hi vọng năm “2022” mọi thứ sẽ khác.

Tin mới lên