Thị trường

Chợ Việt xưa và nay: Những người 'tái sinh' Hội An

(VNF) - Từ thương cảng vĩ đại, thành phố Hội An trải qua những năm tháng dài bị quên lãng cho đến khi được “đánh thức” để trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi danh quốc tế. Những người có công tái sinh cho Hội An hôm nay phải kể đến kiến trúc sư người Ba Lan Kazik và Giáo sư Hoàng Đạo Kính.

Chợ Việt xưa và nay: Những người 'tái sinh' Hội An

Thương cảng vĩ đại

Lịch sử của Đàng Trong là lịch sử của di dân, mở cõi và phát triển thương nghiệp. Trong sự hưng thịnh khoảng 200 năm của Đàng Trong, có một phần quan trọng của các thương cảng mà Hội An là thương cảng vĩ đại nhất. Theo các ghi chép lịch sử, từ giữa thế kỷ XVI, chúa Nguyễn tập trung phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài, Hội An cũng dần trở thành thương cảng quan trọng.

Sự phát triển rực rỡ của Hội An ngày ấy còn được hỗ trợ bởi lệnh cấm xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng sang Nhật Bản của triều đình nhà Minh (Trung Quốc). Lệnh cấm này đã khiến các Mạc phủ Nhật Bản phải mở rộng quan hệ ngoại thương với Đông Nam Á để mua lại hàng hóa Trung Quốc. Nơi các thuyền Châu Ấn của Nhật Bản đi qua nhiều nhất chính là cảng Hội An.

Trong vòng 30 năm, 75 con tàu Châu Ấn đã cập cảng nơi đây. Các thương nhân người Nhật khi đó tới bán đồ đồng, sắt, đồ gia dụng… và mua lại đường, tơ lụa, trầm hương… Khoảng năm 1617, phố Nhật Bản ở Hội An được hình thành và phát triển cực thịnh trong đầu thế kỷ XVII.

Lúc bấy giờ, Ấn Độ và Trung Quốc là hai vựa nguyên liệu lớn nhất thế giới và cũng là hai đầu mối quan trọng của con đường tơ lụa, gốm sứ. Hội An nằm ở trung tâm của con đường di chuyển giữa hai đầu mối quan trọng này. Cùng với những chính sách mở rộng giao thương của họ Nguyễn, thương cảng Hội An đã thu hút nhiều thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Xiêm…tập nấp đến giao thương.

Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

Từ đó, Hội An nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại quốc tế lớn bậc nhất nước Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên… trở thành những thương cảng trọng yếu ở Đàng Trong. Không những thế, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Lyzon (Philippines)… nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của châu Á.

Tuy nhiên, do những biến cố của thời cuộc bắt đầu xảy ra vào nửa cuối thế kỷ XVIII, thương cảng Hội An chững lại trên đường phát triển và suy thoái dần. Sau khi Tây Sơn nổi lên ở Đàng Trong khiến chúa Nguyễn nguy khốn, chúa Trịnh đã cho quân vượt sông Gianh đánh vào tới Phú Xuân rồi tràn vào Quảng Nam, tàn phá dữ dội thương cảng Hội An.

Sau khi quân Trịnh rút về Đàng Ngoài, Hội An dưới triều Tây Sơn phải mất một thời gian dài để hồi phục, song không còn giữ được vai trò trọng yếu như trước. Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Ánh tiêu diệt được nhà Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn. Nhiều lần người Anh và người Pháp đến xin được mở mang giao thương song vì thời thế rối ren cùng với chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn nên các cuộc thương thuyết đều bất thành. Hội An cũng vì thế không lấy lại được hào quang xưa cũ. Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp cũng đã có những nỗ lực trong việc “cứu” lấy vị thế kinh tế của Hội An, song những nỗ lực cuối cùng vào đầu thế kỷ XX này cũng không thành.

Tái sinh trong hình hài mới

Hội An đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ cho đến khi được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999. Người giúp Hội An được một lần tái sinh là kiến trúc sư người Ba Lan Kazik và Giáo sư Hoàng Đạo Kính. Theo nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã, người có công lớn trong việc khôi phục lại “thương hiệu Hội An” đầu tiên phải kể đến Giáo sư Hoàng Đạo Kính. Bởi khi kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đến Việt Nam, mục đích của ông là về thánh địa Mỹ Sơn. Nhờ sự ngỏ lời của Giáo sư Hoàng Đạo Kính, ông Kazik mới ghé đến Hội An và phát hiện ra thành phố cổ bị lãng quên này.

Ông Trương Nguyên Ngã cho biết chi tiết hơn, rằng Kazik nguyên là một kiến trúc sư người Ba Lan. Ông đến Việt Nam trong một chương trình được ký kết bởi hai Chính phủ Việt Nam và Ba Lan nhằm giúp Việt Nam tái thiết và phục chế các di tích cổ, mà công trình cụ thể vào thời điểm đó là di tích Mỹ Sơn.

Ban đầu Kazik được bố trí ở tại Đà Nẵng, hằng ngày có xe đưa đón lên làm việc tại Mỹ Sơn. Trong thời gian Kazik làm việc tại đây, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã gợi ý cho vị kiến trúc sư này về Hội An. Sau một chuyến làm việc tại Mỹ Sơn, Kazik đã cùng với đoàn làm việc của mình lên kế hoạch ghé đến Hội An. Sau khi thăm nơi này, ông Kazik đã đánh giá những căn nhà gỗ trong Hội An có giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn. Và không lâu sau đó, Kazik đề nghị chuyển về trú ngụ tại Hội An để có thời gian nghiên cứu về thành phố này kỹ lưỡng hơn.

“Sau một thời gian làm việc và sinh sống tại Hội An, Kazik đã kết nối với các chính phủ, tổ chức văn hóa, công ty du lịch nước ngoài, giới thiệu và dần dần đưa du khách đến thăm Hội An. Quan trọng nhất, ông đã góp phần không nhỏ, nếu không muốn nói là có công đầu, trong việc đưa các di sản như Huế, Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới”, ông Trương Nguyên Ngã nhận định.

Đối với Giáo sư Hoàng Đạo Kính, sau chuyến đi cùng với Kazik đến Hội An, ông đã gợi ý đề nghị Chính phủ quan tâm đến di sản này dù ban đầu vẫn còn những ý kiến phản bác. Tuy nhiên, qua sự vận động cả trong lẫn ngoài nước của Giáo sư Hoàng Đạo Kính và Kazik, lần đầu tiên, một hội thảo mang tầm quốc gia về Hội An được tổ chức, với sự tham dự của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam vào năm 1985.

“Hội thảo đã tạo nên một tiếng vang lớn, đủ để sau đó Hội An được cả hai quốc gia thống nhất đưa vào chương trình tái thiết và phục chế lại các di tích văn hóa cổ, cùng với Huế và Mỹ Sơn tại Việt Nam, làm tiền đề cho việc Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới sau này”, ông Trương Nguyên Ngã nói.

Tin mới lên