Tài chính

'Chọn mặt gửi tiền' cổ phiếu ngành nào từ nay đến cuối năm?

(VNF) - Trong quý IV cũng như cả năm 2019, các ngành được đánh giá khả quan có thể kể đến như: Bảo hiểm phi nhân thọ, Công nghệ thông tin - Viễn thông, Dệt may, Tiêu dùng - Bán lẻ và Ngân hàng.

'Chọn mặt gửi tiền' cổ phiếu ngành nào từ nay đến cuối năm?

'Chọn mặt gửi tiền' cổ phiếu ngành nào từ nay đến cuối năm? (Ảnh minh họa)

Nhận định trong báo cáo triển vọng ngành quý IV/2019, Công ty Chứng khoán BSC nhấn mạnh các ngành của Việt Nam nếu so sánh với trung vị của nhóm nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan thì hầu như tương đối rẻ hơn về mặt định giá.

Trong quý IV cũng như cả năm 2019, BSC đánh giá "Khả quan" với các ngành: Bảo hiểm phi nhân thọ, Công nghệ thông tin (CNTT) - Viễn thông, Dệt may, Tiêu dùng - Bán lẻ và Ngân hàng.

Với ngành Bảo hiểm phi nhân thọ, công ty chứng khoán này nhấn mạnh đến 3 yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi tăng giúp cải thiện lợi nhuận tài chính. Thứ hai, tăng trưởng phí gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo tăng trưởng đều đặn từ 10%-12% trong tương lai.

Thứ ba, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động bảo hiểm giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động bảo hiểm.

"Tuy nhiên chúng tôi xin lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng của ngành không có nhiều đột biến và triển vọng các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cải thiện mạnh mẽ khi các thương vụ thoái vốn, nới room diễn ra. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp đầu ngành khi định giá hiện tại là tương đối rẻ so với mức tăng trưởng bền vững của ngành bảo hiểm phi nhân thọ", BVSC cho hay.

Dự kiến trong năm 2019, Nhà nước sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như PVI và BMI.

Đối với ngành Bất động sản Khu công nghiệp, BSC nhận định các khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi nhờ 2 yếu tố: chiến tranh thương mại và hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn FDI vào trong nước cũng như việc giá cho thuê tăng trung bình từ 7-15% mỗi năm.

"Các nhà đầu tư mới chủ yếu từ châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc) sẽ vẫn quan tâm đến bất động sản công nghiệp của Việt Nam, do làn sóng các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thông qua minh chứng giá cho thuê và tốc độ lấp đầy tiếp tục tăng", công ty chứng khoán này cho biết.

Dẫn chứng thêm, BSC cho biết theo JLL, khoảng 615 ha đất công nghiệp cho thuê được lên kế hoạch đưa vào thị trường trong vòng 12 tháng tới. Trong khi đó, giá đất được dự kiến sẽ liên tục tăng trưởng đến cuối năm 2019 do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.

Ở ngành CNTT – Viễn Thông, BSC bày tỏ lạc quan với FPT và CMC Group (HoSE: CMG) về tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất khẩu phần mềm và thị trường cho thuê kênh doanh nghiệp.

Riêng đối với cổ phiếu ngành Bưu chính mà đại diện là Viettel Post (UPCoM: VTP), công ty chứng khoán này kỳ vọng xu hướng tiêu dùng online và số lượng cửa hàng mới nhận được từ Viettel Telecom là động lực tăng trưởng chính đối với nhu cầu đơn hàng của Viettel Post.

Một "người họ hàng" của Viettel Post là Viettel Global (UPCoM: VGI) ở mảng Viễn thông, BSC kỳ vọng tổng công ty này sẽ không chịu lỗ tỷ giá đột biến như năm 2018, từ đó, kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể.

Ngành Dệt may cũng được BSC đánh giá cao từ nay tới cuối năm 2020 nhờ giá trị đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đi Mỹ và các thị trường EU vẫn tiếp tục tăng trưởng.

"Chúng tôi kì vọng tăng trưởng của ngành dệt may vẫn đạt trên 10% cho giai đoạn 2019 nhờ vào xu hướng dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam thay cho Trung Quốc và các hiệp định thương mại EVFTA và CPTPP. Chúng tôi đánh giá triển vọng 2020 sẽ tương đối chậm lại với tốc độ tăng trưởng từ 8-10% do cầu thế giới sẽ tiếp tục giảm do kinh tế thế giới yếu đi do chiến tranh Mỹ - Trung", các chuyên viên của BSC nêu quan điểm.

Trong khi đó, ở mảng Điện, tình hình khả quan không dành cho tất cả. Với tình hình thủy văn của năm 2019, BSC đánh giá triển vọng của các cổ phiếu thủy điện lớn (thủy điện có hồ điều tiết mùa) tiêu cực do tình hình thủy văn có thể tiếp tục không thuận lợi bởi chu kỳ El Nino thường kéo dài 5 - 7 năm.

Triển vọng sáng hơn được dành cho nhóm cổ phiếu nhiệt điện, nhờ hưởng lợi từ việc giá bán điện trên thị trường điện cạnh tranh tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện đối mặt nhiều yếu tố rủi ro cho năm 2020, vì vậy BSC chỉ giữ quan điểm "Trung lập".

Với nhóm cổ phiếu xây lắp điện, BSC giữ quan điểm "Tích cực" dựa trên nhu cầu xây lắp tăng cao với lượng backlog lớn.

Dù hưởng lợi từ diễn biến giá điện nhưng BSC cho rằng các nhà máy nhiệt điện vẫn sẽ còn phải đối mặt nhiều yếu tố rủi ro trong năm 2020

Khá đáng chú ý khi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện tại, BSC vẫn dành đánh giá khả quan cho ngành Vận tải hàng không nhờ 3 động lực tăng trưởng.

Thứ nhất, mức thu nhập người dân tăng lên và cơ cấu dân số trẻ. Thứ hai, kỳ vọng các hãng bay cạnh tranh về giá, từ đó sẽ thu hút thêm lượng khách di chuyển bằng đường hàng không. Thứ ba, xu hướng mở rộng các đường bay quốc tế và sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

"Tuy nhiên, việc nhiều hãng bay mới gia nhập làm áp lực cạnh tranh tăng và cơ sở hạ tầng chưa phát triển gây khó khăn trong việc mở rộng số đường bay (tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng) sẽ làm cản trở tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành", BSC cho biết.

Với ngành ngân hàng, theo nhận định của BSC, trong quý IV/2019, doanh thu và lợi nhuận giữa các ngân hàng thương mại sẽ có sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng. Theo đó, các ngân hàng với chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với trung bình ngành như Vietcombank (HoSE: VCB), MB (HoSE: MBB), ACB.

Theo dự báo của BSC, trong năm 2019, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 14,8%, dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt mức 13%, NIM toàn ngành tăng nhẹ nhờ việc cơ cấu các khoản nợ vay và các ngân hàng tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu tồn đọng nhằm đáp ứng nhu cầu Basel II.

Cuối cùng, BSC duy trì đánh giá khả quan đối với nhóm ngành tiêu dùng.

"Đối với ngành bán lẻ, chúng tôi cho rằng ngành vẫn duy trì tốt độ tăng trưởng tốt trên 20% nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng thiết yếu và thu nhập của người dân đang tăng lên. Tuy nhiên, đối với ngành thức ăn và đồ uống, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm "Trung lập" do các yếu tố tiêu cực như dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp chắc nuôi, nông sản không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc...", BSC cho hay.

Bên cạnh khuyến nghị "Khả quan", BSC dành đánh giá "Trung lập" với các ngành: Bất động sản dân dụng, Cảng biển, Cao su, Dầu khí, Dược, Điện, Gạch men, Hàng không, Hóa chất, Nhựa, Phân bón, Săm lốp, Thép, Thủy sản, Vận tải, Xây dựng và Xi măng.

Về phía các ngành "Kém khả quan", công ty chứng khoán này cho rằng ngành Mía đường vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 do ngành dư cung, giá hàng hóa vẫn chưa hồi phục từ xu hướng giảm.

Tin mới lên