Bất động sản

Chọn phương án nào chuyển đổi cao tốc Bắc - Nam?

Trong số 3 phương án chuyển đổi trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra ưu tiên 1 là chuyển đổi cả 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công.

Chọn phương án nào chuyển đổi cao tốc Bắc - Nam?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hiện trường thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 14/5.

Dù nguồn vốn Nhà nước bổ sung thêm để thực hiện phương án này cao hơn hai phương án còn lại, nhưng đảm bảo chắc chắn triển khai dự án thành công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vốn Nhà nước bổ sung không chênh lệch nhiều

Chính phủ vừa có Tờ trình 256 kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, phương án 1: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. Chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần. Theo phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017 là 55.000 tỷ đồng; cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng (Chính phủ kiến nghị bổ sung trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

Phương án 2: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 5 dự án gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63km, QL45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

Ba dự án thành phần còn lại có nhiều nhà đầu tư qua sơ tuyển (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Theo phương án 2, tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.

Với phương án 3: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. Chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần gồm: Hai dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). 5 dự án thành phần còn lại (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó,vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Theo phân tích, cả 3 phương án được Chính phủ đưa ra đều có những ưu, nhược điểm riêng. Cụ thể, phương án 1 có ưu điểm sẽ đảm bảo các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai chắc chắn thành công, hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Ngược lại, Nhà nước phải bổ sung 44.493 tỷ đồng, nhiều hơn so với hai phương án còn lại.

Đối với phương án 2 và phương án 3, dù có ưu điểm cần ít vốn Nhà nước bổ sung hơn nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, khi nguồn vốn tín dụng ngày càng thắt chặt, nguy cơ một số dự án bị “treo” nếu tiếp tục triển khai và sẽ không đảm bảo hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của Quốc hội.

“Nếu xét về tổng thể, phương án 1 là khả thi nhất, bởi dự án đảm bảo chắc chắn triển khai thành công. Hơn nữa, chênh lệch về nguồn vốn bổ sung của Nhà nước giữa phương án 1 và hai phương án còn lại không lớn. Cụ thể, khi chuyển cả 8 dự án, phần Nhà nước bổ sung thêm chỉ nhiều hơn phương án 2 khoảng 11.000 tỷ đồng và nhiều hơn phương án 3 khoảng 21.000 tỷ đồng”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

Cần thiết phát hành trái phiếu cho 8 dự án

Chiều 31/5, trao đổi với chí, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội khẳng định, chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, cả 3 phương án Chính phủ đưa ra đều tạo áp lực lên ngân sách Nhà nước.

“Nếu chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công, ngân sách có thể bố trí, sắp xếp được, còn phương án chuyển cả 8 dự án sang đầu tư công chắc chắn ngân sách cân đối sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Nhã nói.

Ông Nhã phân tích thêm, cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, tác động rất lớn đến phát triển KT-XH, tiến độ dự án chỉ chậm 1 - 2 tuyến sẽ kéo theo toàn tuyến bị chậm, dự án không phát huy hết hiệu quả. Nếu chọn phương án chuyển đổi 3 hoặc 5 dự án trong giai đoạn đầu là hợp lý, còn chọn phương án chuyển toàn bộ 8 dự án sẽ khó khăn hơn, nhưng cũng phải tính toán làm sao để dự án hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến, do đó, Chính phủ phải có phương án khả thi.

“Với tư cách là ĐBQH, tôi ủng hộ chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết”, ông Nhã nói.

Về cách thức thực hiện, ông Nhã gợi ý, phương án khả thi nhất là chuyển đổi cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công (Nhà nước bổ sung thêm 44.493 tỷ đồng) bằng một gói Trái phiếu Chính phủ (TPCP), Quốc hội quy định rõ, căn cứ theo lộ trình của dự án để phát hành TPCP và giải ngân trong giai đoạn tới.

“Đây là phương án rất khả thi, dự án triển khai được ngay không phụ thuộc vào cân đối ngân sách. Hơn nữa, khi huy động TPCP cho dự án từ nay đến cuối năm có thể lãi suất trái phiếu dài hạn thấp nhất trong vòng 5 năm qua”, ông Nhã nói và cho rằng, bố trí cho dự án một gói trái phiếu, Nhà nước sẽ chủ động cân đối nguồn, không phụ thuộc vào ngân sách từ thuế.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công vừa qua đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã thảo luận. Theo ông Hùng, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, chủ trương chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là hoàn toàn phù hợp để thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, huy động vốn từ khu vực tư nhân để phát triển hạ tầng theo hình thức PPP cũng là một chủ trương lớn của Nhà nước, các doanh nghiệp trúng sơ tuyển mong muốn tiếp tục tham gia thì cũng phải tạo điều kiện cho họ.

“Chọn phương án nào, chuyển đổi 3 dự án, 5 dự án hay 8 dự án sang đầu tư công cần giải quyết hài hòa hai mục tiêu trên. Tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ GTVT cần đánh giá toàn cục, dự án nào khả thi có nhà đầu tư đủ tiềm lực và sẵn sàng tham gia thì tạo điều kiện cho họ làm, dự án nào khó khăn sẽ dùng ngân sách, chỉ có như vậy mới tốt cho cả hai chủ trương của Nhà nước”, ông Hùng nói.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Hùng cho rằng, trong 3 phương án Bộ GTVT trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phương án chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công, tiếp tục đầu tư 5 dự án còn lại bằng PPP có tính khả thi cao nhất. “Phương án này đảm bảo hài hòa cả hai mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế, lại vừa đảm bảo việc huy động nguồn lực từ xã hội”, ông Hùng chia sẻ và cho biết thêm, một số dự án triển khai theo hình thức PPP cần tiếp tục làm, nếu gặp khó khăn, Bộ GTVT, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét sau.

“Khi đối thoại với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, không ít doanh nghiệp đã trúng sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam thể hiện quyết tâm rất cao. Trước hết, chúng ta cần đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư, thứ hai là tạo ra sự cạnh tranh tích cực để so sánh sản phẩm cuối cùng giữa Nhà nước và tư nhân thể hiện qua tiến độ và chất lượng công trình”, ông Hùng phân tích.

Tin mới lên