Tài chính

Chóng mặt con số nợ công gần 2,5 triệu tỷ đồng

(VNF) - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015 sau khi có Luật nợ công, nợ công đã tăng vọt lên 2.479 nghìn tỷ đồng, bình quân 496 nghìn tỷ đồng/năm; tốc độ tăng bình quân hàng năm ở mức 16%.

Chóng mặt con số nợ công gần 2,5 triệu tỷ đồng

Vụ Ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến các bên liên quan về dự thảo "Đề án Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững". 

Theo đó, số liệu tại dự thảo cho biết, trong giai đoạn trước khi có Luật nợ công (2006- 2010), nợ công của Việt Nam đạt 1.006 nghìn tỷ đồng, bình quân 201 nghìn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 33%/năm.

Đến giai đoạn 2011 - 2015 sau khi có Luật nợ công, con số này đã vọt lên 2.479 nghìn tỷ đồng, bình quân 496 nghìn tỷ đồng/năm; tốc độ tăng bình quân hàng năm ở mức 16%.

Bộ Tài chính cho biết, qui mô nợ công đã tăng rất nhanh qua các năm, từ 43% GDP năm 2006 lên 51,7% năm 2010 và 62,2% năm 2015. "Mặc dù nợ công cao, nhưng về cơ bản các chỉ tiêu nợ công luôn ở trong giới hạn quy định. Riêng chỉ tiêu nợ chính phủ năm 2015 so với GDP vượt giới hạn cho phép (vượt 0,3% GDP) chủ yếu là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh".

Về cơ cấu, vốn vay Chính phủ chiếm đa số với 78% (bình quân 386 nghìn tỷ đồng/năm), đứng thứ 2 là bảo lãnh Chính phủ chiếm 20% (bình quân 98 nghìn tỷ đồng/năm); và vay của chính quyền địa phương chiếm khoảng trên 2% (gần 12 nghìn tỷ đồng/năm)

Giai đoạn 2011 - 2015, vay của Chính phủ lên tới 1.929 nghìn tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với giai đoạn trước với tốc độ tăng bình quân 19%/năm. Các khoản vay của Chính phủ tiếp tục chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước, vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Tỷ trọng vay trong nước tăng nhanh, từ 66% tổng số nợ vay Chính phủ năm 2011 lên 77% năm 2011.

Trong vay nợ của Chính phủ, phát hành trái phiếu chính phủ đạt trên 927 nghìn tỷ đồng (bình quân trên 185 nghìn tỷ đồng/năm) với tốc độ tăng nhanh, bình quân 34%/năm. Năm 2010, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân rơi vào khoảng 4,1 năm.

Về các khoản vay ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết đạt 28.140 triệu USD; trong đó vốn đã giải ngân khoảng 22.849 triệu USD, bình quân 4.570 triệu USD/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010.

Cũng trong giai đoạn này, nhằm bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và tái cơ cấu nợ Chính phủ, Bộ Tài chính huy đã huy động các nguồn vốn trong nước khác nhưng chỉ đạt 478 tỷ đồng, bình quân 96 tỷ đồng/năm.

Về bảo lãnh Chính phủ, tính đến cuối 2015, tổng giá trị cấp bảo lãnh nước ngoài là 16.139 triệu USD, tương đương 339 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân gần 50%/năm. Bảo lãnh vay trong nước chủ yếu là bảo lãnh phát hành trái phiếu của 2 ngân hàng chính sách và cấp bảo lãnh vay từ các ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án trọng điểm. Lũy kế đến 31/12/2015, tổng số dự án trong nước được cấp bảo lãnh là 26 khoản vay, chủ yếu là lĩnh vực điện với 8 dự án chiếm tới 68% tổng giá trị vốn bảo lãnh và dầu khí là 7 dự án chiếm 24% tổng giá trị vốn bảo lãnh.

Vốn vay được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng nhanh, tính tổng giá trị vay vốn giai đoạn 2011 - 2015 đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân gần 50%, trong đó bảo lãnh vay trong nước chiếm khoảng 54% và bảo lãnh vay nước ngoài chiếm khoảng 46%.

Vay vốn của chính quyền địa phương đạt hơn 70 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 12 nghìn tỷ đồng/năm với dư nợ của chính quyền địa phương đến 31/12/2015 ở mức 36 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% GDP.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, vấn đề an toàn, bền vững nợ công vẫn tiềm ẩn các nguy cơ như phá vỡ các giới hạn nợ do các chỉ số nợ đã tiệm cận giới hạn quy định trong khi điều kiện kinh tế - xã hội biến động khó lường.

"Ngay cả với các điều kiện kinh tế tài chính hiện tại, việc đảm bảo duy trì các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép cũng gặp nhiều khó khăn bởi tốc độ tăng nợ công bình quân giai đoạn 2011-2015 là 18,4%/năm, cao hơn nhiều so với các mục tiêu tăng trưởng GDP và chỉ số giá giai đoạn 2016 - 2017", Bộ Tài chính nhận định.

Tin mới lên