Bất động sản

Chủ đầu tư dự án khu đô thị Hà Phong bỏ hoang nhiều năm làm ăn ra sao?

(VNF) - Khu đô thị Hà Phong là dự án thuộc quần thể đô thị mới Bắc Thăng Long với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hà Phong làm chủ đầu tư.

Khu đô thị Hà Phong được thực hiện tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, với quy mô diện tích 41,8ha, bao gồm các hạng mục như biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, văn phòng, giao thông và công viên.

Dự án được khởi công từ năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có các căn biệt thự được xây dựng nhưng cũng chỉ được gần nửa số căn biệt thự đã hoặc đang được hoàn thiện. Số còn lại chỉ xong phần thô và bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Đáng chú ý, theo báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, khu đô thị Hà Phong hiện chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định

Về chủ đầu tư, theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Hà Phong được thành lập ngày 24/9/2003, có địa chỉ tại thôn Trung Hậu Đông, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Công ty Hà Phong có 3 cổ đông gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội và ông Phan Văn Quý (thành viên HĐQT Công ty hà Phong). Trong đó, Tập đoàn Thái Bình Dương là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ 70% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, ghi nhận tại thời điểm 23/5/2018, Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội không còn là cổ đông của Hà Phong mà thay vào đó là Tập đoàn Geleximco (tỷ lệ góp vốn 20%). Còn ông Phan Văn Quý vẫn là thành viên HĐQT của Hà Phong nhưng đã chuyển nhượng hết cổ phần tại đây.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Phong là ông Phan Tiến Dũng (sinh năm 1983), thường trú tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đáng chú ý, trong năm 2019, vị trí chủ tịch HĐQT Công ty Hà Phong liên tục thay đổi. Theo đăng ký thay đổi ngày 29/7/2019, ông Đỗ Lê Bình (sinh năm 1981) là người nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty Hà Phong. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, người giữ vị trí này là ông Võ Hiểu Nam (sinh năm 1977), thường trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Về tình hình hoạt động doanh, theo tài liệu mà VietnamFinance có được, doanh thu của Công ty Hà Phong ở các năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt đạt 45 tỷ đồng, 44,6 tỷ đồng và 47,2 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu tụt mạnh về chỉ còn hơn 5,5 tỷ đồng (giảm hơn 82% so với năm 2018).

Đáng chú ý là ở năm 2018, lợi nhuận của Hà Phong tăng đột biến, lên tới 139,6 tỷ đồng. Ở 2 năm trước đó, Công ty Hà Phong chỉ báo lãi 17,6 tỷ đồng (năm 2016) và 9,8 tỷ đồng (năm 2017).

Nhưng cũng chỉ 1 năm sau, cùng với doanh thu giảm mạnh thì lợi nhuận năm 2019 của Hà Phong cũng giảm mạnh xuống còn 7,9 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty này năm 2016 là 258,4 tỷ đồng, giảm xuống còn 232,6 tỷ đồng vào năm 2017, sau đó lại tăng mạnh lên 365,4 tỷ đồng trong năm 2018, nhưng đến năm 2019 thì chỉ còn 226,1 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm, tài sản của Hà Phong đã giảm hơn 13%.

Đặc biệt, nợ phải trả giảm mạnh. Cụ thể, nợ phải trả của Công ty Hà Phong năm 2016 là 81 tỷ đồng thì kết thúc 2019, con số này đã giảm xuống còn 18,7 tỷ đồng, tương đương giảm 73%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu liên tục tăng trong giai đoạn năm 2016-2018, lần lượt đạt 177,4 tỷ đồng, 186,6 tỷ đồng và 364,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Công ty Hà Phong ở mức 206,7 tỷ đồng.

Dưới đây là một số hình ảnh tại khu đô thị Hà Phong:

Hàng loạt biệt thự được xây xong phần thô rồi bị bỏ hoang nhiều năm tại khu đô thị Hà Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội
Một căn biệt thự bỏ hoang được những người công nhân dùng làm nơi ở tạm
Người dân địa phương chăn thả bò ngay tại khu đô thị Hà Phong
Tin mới lên