Học thuật

Chu kỳ kinh doanh là gì? Những nguyên nhân tạo nên chu kỳ kinh doanh

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Chu kỳ kinh doanh (business cycle) là gì? Những nguyên nhân tạo nên chu kỳ kinh doanh.

Chu kỳ kinh doanh là gì? Những nguyên nhân tạo nên chu kỳ kinh doanh

Chu kỳ kinh doanh (business cycle) là những biến động mang tính chu kỳ trong quy mô hoạt động kinh tế

Chu kỳ kinh doanh là gì?

Chu kỳ kinh doanh (business cycle) là những biến động mang tính chu kỳ trong quy mô hoạt động kinh tế. Nó được đặc trưng bởi 4 giai đoạn:

Thời kỳ suy thoái (recession)

Là thời kỳ trong đó tổng cầu giảm nhanh trong khi sản lượng rất thấp và thất nghiệp cao

Thời kỳ phục hồi (recovery)

Ở thời kỳ này, sự gia tăng nhanh của tổng cầu đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng và thất nghiệp giảm

Thời kỳ sôi động hay bùng nổ kinh tế (expansion)

Đây là thời kỳ tổng cầu vượt quá mức sản lượng tiềm năng và tiếp tục tăng lên, giá cả cũng tăng do có tình trạng dư cầu

Thời kỳ suy giảm (depression)

Vào thời kỳ này, ban đầu tổng cầu, sản lượng và việc làm chỉ giảm với quy mô nhỏ, nhưng khi tổng cầu tiếp tục thu hẹp, sản lượng giảm mạnh và thất nghiệp tăng, thời kỳ suy thoái bắt đầu.

Nguyên nhân tạo nên chu kỳ kinh doanh

Tại sao nền kinh tế lại biến động theo cách như vậy? Có nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra chu kỳ kinh doanh. Keynes đưa ra cách lý giải ngắn gọn như sau: các khoản chi tiêu cho đầu tư (cả đầu tư cố định và đầu tư vào hàng tồn kho) là yếu tố dễ thay đổi. Hiện tượng này được gọi là chu kỳ đầu tư.

Tại đỉnh của chu kỳ, thu nhập không tăng thêm nữa và mức đầu tư vào năng lực sản xuất mới đã đủ để thỏa mãn nhu cầu. Điều này làm cho phần đầu tư phái sinh (tức đầu tư do sự thay đổi của thu nhập quốc dân gây ra) giảm. Do tác động của nhân tử, sản lượng của nền kinh tế giảm sút nhiều hơn mức giảm đầu tư ban đầu và điều này làm cho đầu tư tiếp tục giảm. Tại đáy của chu kỳ, đầu tư có thể tăng lên nhờ yếu tố ngoại sinh (ví dụ ứng dụng công nghệ mới) hoặc do ảnh hưởng của nhu cầu đầu tư thay thế. Trong trường hợp đó, sự gia tăng nhu cầu đầu tư làm tăng sản lượng và nhờ tác động tích cực của nhân tử, mức đầu tư phái sinh cũng tăng lên.

Các nhà kinh tế theo quan điểm tiền tệ quả quyết rằng sự thay đổi trong cung ứng tiền tệ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những biến động trong hoạt động kinh tế. Họ khuyến nghị chính phủ nên áp dụng nguyên tắc tăng cung ứng tiền tệ theo một tỷ lệ cố định, đúng bằng tố độ tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng trong nước (GDP). Nguyên tắc này được gọi là Quy tắc Friedman.

(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên