Ngân hàng

Chủ ngân hàng đối mặt án tử, người duyệt 'ghế' có vô can?

Hàng loạt ông chủ ngân hàng bị bỏ tù, thế nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là đối với cấp có thẩm quyền phê chuẩn cho các vị này ngồi vào ghế chủ ngân hàng để rồi từ đó mà "tự tung tự tác", dường như lại chưa được đặt ra một cách sòng phẳng?

Chủ ngân hàng đối mặt án tử, người duyệt 'ghế' có vô can?

Là một người có tiền án song không hiểu vì sao Phạm Công Danh vẫn được phê chuẩn cho làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng. Ảnh TL

Chủ ngân hàng đối mặt án tử

Ngày 20/5, Bộ Công an thông báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang điều tra bổ sung vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và các đơn vị có liên quan, theo các quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đó, từ tội danh bị khởi tố ban đầu "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đến nay cùng với việc bị thay đổi sang tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và bổ sung tội danh "Tham ô tài sản", hai bị can Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đang đối mặt khung hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều.

Theo Điều 281 BLHS, tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" chịu khung hình cao nhất từ 10 năm đến 15 năm tù; trong khi đó Điều 280 BLHS, tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", khung hình phạt cao nhất, lên tới mức phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân. Còn đối với tội "Tham ô tài sản", khung hình phạt cao nhất có mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Với số tiền tham ô hơn 49 tỷ đồng bị cáo buộc, hai bị cáo  Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm có nguy cơ đối diện án tử hình.

Trước ông Thắm, ông Sơn, đã có hàng loạt lãnh đạo ngân hàng lũ lượt "nhập kho". Nổi danh nhất là "Bầu" Kiên (ACB), ông Lý Xuân Hải (ACB), ông Trần Phương Bình (DongABank), ông Huỳnh Nam Dũng (MHB), ông Phạm Quyết Thắng (GPBank)… Gần đây nhất là "đại án" Phạm Công Danh tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB). Nếu Phạm Công Danh không được bổ nhiệm và phê chuẩn chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị thì liệu có xảy ra "đại án" hay không? Bởi theo qui định, Phạm Công Danh không được phép nắm giữ chức vụ chủ chốt tại Ngân hàng VNCB.

Trách nhiệm người phê chuẩn ở đâu?

Vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng  đã chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2017 đối với 12 "đại án" kinh tế; trong đó có các "đại án" liên quan đến VNCB. Vụ án thứ nhất là vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong đó có trách nhiệm của Tổ giám sát NHNN đặt tại Ngân hàng VNCB. Mặc dù Ngân hàng VNCB đang trong tình trạng kiểm soát nhưng Phạm Công Danh và đồng phạm vẫn thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỷ đồng. Được biết, trong giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của 4 thành viên tổ giám sát NHNN đặt tại Ngân hàng VNCB.

Vụ án thứ hai là vụ cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang (tức Trang "Phố Núi"). Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, Hội đồng xét xử TAND TP. HCM nhận định, Trang là người giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh tìm kiếm khách hàng lớn cho Ngân hàng VNCB nhằm rút tiền chi "chăm sóc khách hàng" trái với qui định pháp luật. Trang cũng là người giới thiệu Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại JSC An Phát cho Phạm Công Danh lập khống hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking, gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB hơn 63,7 tỷ đồng. 

Dưới sự giúp sức của Trang, Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút 5.490 tỷ đồng nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản. Ngoài ra, Phạm Thị Trang còn được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sở giao dịch 2 giải ngân 1.700 tỷ đồng vào tài khoản của Trang tại Ngân hàng TMCP Á Châu, sau đó Trang đã chuyển số tiền này cho Phạm Công Danh sử dụng… Tháng 10/2016, Trang "Phố Núi" đã sang Hoa Kỳ.

Vụ thứ ba là vụ vi phạm qui định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), tiền thân của Ngân hàng VNCB, trong đó có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Ông Toàn và các thành viên khác đã tham gia duyệt cấp tín dụng 2 hồ sơ vay của Công ty Đại Hoàng Phương và Công ty Thịnh Quốc với tổng số tiền 650 tỷ đồng không đúng qui định, gây thiệt hại trên 470 tỷ đồng.

Vụ thứ tư là vụ cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại TrustBank liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn. Bà Phấn là đại diện cho nhóm cổ đông Phú Mỹ, sở hữu gần 85% cổ phần của Ngân hàng TrustBank.

Trong quá trình điều hành TrustBank, nhóm cổ đông này đã khiến ngân hàng rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế hơn 6 ngàn tỷ đồng. Sau khi bà Phấn và nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đại diện, TrustBank được đổi tên thành Ngân hàng VNCB.

Các "đại án" nêu trên đều có "bóng dáng" của Ngân hàng VNCB do Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT. Vậy vì sao Phạm Công Danh từ một người đã có tiền án lại được bổ nhiệm và phê chuẩn chức vụ chủ chốt ở Ngân hàng VNCB?

Phạm Công Danh là người khi mới hơn 20 tuổi đã biết buôn bán lòng vòng trốn thuế, sử dụng pháp nhân và số vốn "ảo" để khuếch trương huy động vốn, vay nợ, mua hàng chậm trả nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, từng bị kết tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân", từng thụ án 6 năm tù giam.

Theo Điều 19 của Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ, những người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên không được là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng. 

Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Vậy vì sao với một người đã có tiền án như ông Phạm Công Danh vẫn được phê chuẩn, bổ nhiệm chức danh cấp cao trong Ngân hàng VNCB, dẫn tới những hệ lụy như hiện nay? 

Và liệu những người đã trực tiếp phê chuẩn cho Phạm Công Danh nắm giữ chức vụ chủ chốt ở Ngân hàng VNCB có bị xử lý trách nhiệm hay không? Đó là một câu hỏi cần trả lời sòng phẳng!

Tin mới lên