Tiêu điểm

Chủ tịch Bắc Giang muốn tỉnh được quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 75ha

(VNF) - Tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ sáng 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã đề xuất Thủ tướng cho địa phương này quyền tự quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với các cụm công nghiệp có diện tích sử dụng đất lúa từ trên 10ha đến 75ha sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Chủ tịch Bắc Giang muốn tỉnh được quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 75ha

Chủ tịch Bắc Giang muốn tỉnh được quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 75ha

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, diễn ra vào sáng 26/9, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, hàng xuất đi bị tồn đọng. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng do chi phi phát sinh về việc phòng, chống dịch Covid-19 như: chi phí test nhanh, test PCR, chi phí khử khuẩn, bố trí cho công nhân ăn, ngủ nghỉ tại nơi sản xuất…

Việc tuyển dụng lao động mới gặp nhiều khó khăn do việc giãn cách phòng, chống dịch ở các địa phương cũng như gián đoạn trong công tác vận chuyển, đưa đón công nhân, người lao động…

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, lữ hành quốc tế, dịch vụ lưu trú và ăn uống... nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội, nặng hơn thì giải thể, chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải do đảm bảo phòng chống dịch của các địa phương, mỗi địa phương đưa ra các yêu cầu khác nhau, nên đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hẳn hoạt động trong thời gian dài và có nguy cao phải giải thể, phá sản.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid -19, ông Lê Ánh Dương cho biết tỉnh nhất trí với các giải pháp trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương một số giải pháp.

Cụ thể, ông Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai, theo hướng cho phép sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giao cho địa phương tự quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với các cụm công nghiệp có diện tích sử dụng đất lúa từ trên 10ha đến 75ha.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai các dự án điện tại các tỉnh, thành phố, đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có trong kế hoạch.

Ngoài ra, ông Dương kiến nghị cho phép thành lập Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bắc Giang với chức năng, nhiệm vụ giúp Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu, giấy chứng nhận gia công hàng hóa, giấy chứng nhận xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định và theo ủy quyền của Bộ Công Thương.

Sau cùng, ông Lê Ánh Dương đã đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đối với các khu công nghiệp: Yên Lư, Tân Hưng và Yên Sơn - Bắc Lũng; mở rộng các khu công nghiệp Quang Châu và Hòa Phú của tỉnh Bắc Giang.

Ông Lê Ánh Dương cho biết tính đến hết tháng 9/2021, tỉnh Bắc Giang có 11.675 doanh nghiệp được đăng ký thành lập (trong đó có 11.196 doanh nghiệp trong nước và 479 doanh nghiệp FDI) với số vốn đăng ký là 103.516 tỷ đồng của doanh nghiệp trong nước và 3,891 tỷ USD của khối doanh nghiệp FDI.

Riêng 9 tháng năm 2021, đã có có 896 doanh nghiệp được thành lập mới, bằng cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được trên 853 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7% cùng kỳ năm 2020.

Hiện tại, trong 6 khu công nghiệp đã có 377 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 100% và hiện có 180.000 lao động thực tế đang làm việc. Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn đang phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.

Trong các cụm công nghiệp, có 221 doanh nghiệp đang hoạt hoạt động, đạt tỷ lệ 96% và có 47.697 lao động thực tế đang làm việc, đạt tỷ lệ 99% so với lao động trước khi dịch bùng phát;

Đã có trên 260.000 lao động trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh đã đi làm trở lại, đạt tỷ lệ 97%. Tổng số lao động đã được tuyển dụng mới đến hết tháng 9/2021 được gần 40.000 người.

Tin mới lên