Công nghệ

Chủ tịch CMC đề xuất cho doanh nghiệp đấu thầu thực hiện dịch vụ công

(VNF) - Nhận định các doanh nghiệp tư nhân đều có các năng lực thế mạnh riêng trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đề xuất mở rộng việc giao cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP, tiến tới loại bỏ việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công.

Chủ tịch CMC đề xuất cho doanh nghiệp đấu thầu thực hiện dịch vụ công

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.

Ngày 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cho biết Việt Nam hiện đang đứng thứ 88/193 về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 1 bậc so với thứ hạng 89 trong cuộc khảo sát năm 2016. Tại ASEAN, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6/11 về chỉ số này.

Cũng theo ông Chính, hầu hết các cấp cơ quan chính phủ được khảo sát đều cho thấy sự ấn tượng với tỷ lệ cao các thủ tục thủ tục hành chính ở cấp 3 (hỗ trợ gửi biểu mẫu trực tuyến) và cấp 4 (hỗ trợ thanh toán điện tử). Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ sử dụng các hệ thống chính phủ điện tử thường chỉ đạt ở mức khoảng 10%.

Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ chính cho chính phủ là các doanh nghiệp lớn, bao gồm VNPost, Viettel, VNPT, FPT... Trong đó, VNPT hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và đang phát triển một số hệ thống cốt lõi cho Chính phủ điện tử, như Cổng dịch vụ công quốc gia; Nền tảng trao đổi tài liệu điện tử quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...

Đối với FPT, doanh nghiệp này đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng đối với các hệ thống công nghệ thông tin như Tabmis, hệ thống quản lý tài chính tích hợp của chính phủ được thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới; hệ thống kho bạc; hệ thống quản lý thuế...

Còn với Viettel, đơn vị này hiện hỗ trợ một số dự án chính phủ điện tử, bao gồm một số dự án do Văn phòng chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông... Các hệ thống cụ thể mà Viettel đang triển khai bao gồm Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, dự án thành phố thông minh ở Huế, cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm xã hội, điểm thi…

Đánh giá về các khó khăn chính, Chủ tịch CMC cho rằng hiện nay việc thực hiện Chính phủ điện tử còn có nhiều thủ tục hành chính yêu cầu được ký và đóng dấu quá nhiều; chưa có dữ liệu tập trung, nhất quán, phục vụ quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Bên cạnh đó, phụ thuộc nhiều vào việc thuê ngoài đối với các doanh nghiệp nhà nước; hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục phê duyệt đầu tư dự án công nghệ thông tin kéo dài khiến các công nghệ khi được triển khai đã trở nên lỗi thời. Đặc biệt có xuất hiện nghi ngại của các doanh nghiệp về việc chỉ định thầu của chính phủ.

Trước các khó khăn này, lãnh đạo Tập đoàn CMC cho rằng bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước còn có các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đều có các năng lực thế mạnh riêng trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như xây dựng hạ tầng số (C.Ope2n), giải pháp cloud (C.Cloud), giải pháp an ninh mạng (SOC, CMDD), phát triển các dịch vụ công trực tuyến cho Chính phủ… 

Do đó, ông Chính đề xuất mở rộng việc giao cho doanh nghiệp tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công-tư (PPP), giảm bớt, tiến tới bỏ việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công, nên đấu thầu giao cho doanh nghiệp làm.

Chủ tịch CMC cũng đề xuất hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá về chính phủ điện tử cho các Bộ, ngành địa phương, đô thị và tổ chức đánh giá định kỳ hàng tháng để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như Chính Phủ. Có phần mềm đánh giá on-line hàng tháng nhằm thúc đẩy việc phấn đấu xây dựng chính phủ điện tử của các đơn vị.

Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia đã triển khai thành công chính phủ điện tử, lại có các đặc điểm về văn hóa, quy mô dân số, tổ chức nhà nước khá tương đồng với Việt Nam. Do đó, ông Chính cũng đề xuất học tập mô hình và cách làm chính phủ điện tử của Nhật bản và Hàn Quốc để áp dụng linh hoạt trong phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tin mới lên