Tài chính quốc tế

Chủ tịch ECB: Lạm phát khu vực Eurozone chưa đạt đỉnh, rủi ro còn tăng cao hơn nữa

(VNF) - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo hôm 28/11 rằng lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa đạt đỉnh và rủi ro còn tăng cao hơn dự đoán, làm dấy lên suy đoán rằng ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu giảm lạm phát.

Chủ tịch ECB: Lạm phát khu vực Eurozone chưa đạt đỉnh, rủi ro còn tăng cao hơn nữa

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 28/11, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói: “Chúng tôi không nhìn thấy các yếu tố hoặc hướng đi khiến tôi tin rằng chúng ta đã đạt đến mức lạm phát cao nhất và nó sẽ giảm trong thời gian ngắn”.

Nhận xét của Chủ tịch ECB tương tự với nhận xét được đưa ra trước đó bởi giám đốc ngân hàng trung ương Hà Lan Klaas Knot, đã dập tắt những suy đoán mong manh rằng ECB có khả năng sẽ thực hiện một con đường “nhẹ nhàng hơn” với việc tăng lãi suất trong tương lai.

Bà Largade nói thêm rằng các nhà kinh tế của ECB vẫn nhìn thấy những rủi ro "đảo ngược" rõ ràng, một biệt ngữ tài chính cho rủi ro ám chỉ các chỉ số lạm phát có thể cao hơn dự kiến.

Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng EUR đã đạt mức kỷ lục 10,6% trên cơ sở hàng năm vào tháng trước, nhưng các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters kỳ vọng nó sẽ giảm xuống 10,4% vào tháng 11. Báo cáo chính thức sẽ được công bố trong tuần này.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters nhận thấy lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt 8,5% trong năm nay, 6,0% vào năm tới và 2,3% vào năm 2024 trước khi cuối cùng đạt được mục tiêu 2% của ECB vào năm 2025.

Trước khi Chủ tịch ECB đưa ra những phát ngôn chính thức về tình hình lạm phát tại châu lục, trong nội bộ ngân hàng trung ương cũng xảy ra nhiều bất đồng ý kiến về triển vọng lạm phát và lãi suất, khiến các nhà đầu tư bối rối về các động thái chính sách tiếp theo của ECB.

Tính tới tháng 10/2022, ECB đã thực hiện 3 lần tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng, bao gồm 1 lần tăng 0,5% và 2 lần tăng liên tiếp 0,75%, đưa lãi suất lên mức kỷ lục 2% để làm giảm nhu cầu nhằm kiềm chế lạm phát.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư đều đang chờ đợi xem ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% hay 0,75% trong cuộc họp tiếp theo.

Theo bà Lagarde, việc tăng lãi suất bao nhiêu còn phụ thuộc vào một số yếu tố như tiền lương và kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cao hơn gần như “không thể tránh khỏi”, một cụm từ tương tự với nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đưa ra gần đây.

“Rõ ràng là chúng ta phải tiếp tục tăng lãi suất. Và tôi ngờ rằng, dù tôi không muốn nói liều vào tương lai, rằng chúng ta vẫn còn chặng đường dài phải đi”, Chủ tịch ECB phát biểu.

Trong một diễn biến liên quan, Financial Times gần đây đã đăng tải bài báo với nhận định rằng lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh và sẽ giảm dần trong thời gian tới. Theo các nhà kinh tế, các số liệu cho thấy áp lực về giá đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang giảm bớt, có khả năng lạm phát toàn phần sẽ giảm từ mức cao lịch sử trong những tháng gần đây.

Xem thêm >> ‘Lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh’

Tin mới lên