Bất động sản

Chủ tịch GP.Invest: 'Quy trình thu hồi đất trên 100 bước đang làm ách tắc các dự án'

(VNF) - Theo Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp, quy trình thu hồi đất trên 100 bước cực kỳ dài dòng đang khiến doanh nghiệp rất khó khăn, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án. Vì vậy, theo ông, rất cần phải khắc phục điều này sớm, đồng thời cần nâng giá đền bù đất lúa để dân cảm thấy thoả đáng.

Chủ tịch GP.Invest: 'Quy trình thu hồi đất trên 100 bước đang làm ách tắc các dự án'

Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp.

Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP.Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tại hội thảo: "Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay" diễn ra sáng nay (25/11).

Ông Hiệp cho rằng bất động sản và xây dựng luôn gắn chặt với nhau. Vì vậy, doanh nghiệp ngành xây dựng đều hết sức quan tâm đến việc làm thế nào để tháo gỡ cho bất động sản phát triển.

"Có thể nói bất động sản là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Có lẽ chính vì bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy… Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi cho rằng muốn bất động sản phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh", Chủ tịch GP.Invest nói.

Để giải quyết những ách tắc trước mắt, ông Hiệp nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ở Nghị định 30 của Luật Nhà ở. Việc chuyển đổi sử dụng đất khác sang đất ở đang cực kỳ vướng mắc nên khi vấn đề này được sửa đổi sẽ có nguồn cung lớn hơn cho thị trường. Đây không phải là một doanh nghiệp mà là toàn bộ doanh nghiệp mong muốn sửa đổi vấn đề này.

Về tiền đền bù cho dân, tiền sử dụng đất, vị chủ tịch cho biết hai vấn đề này đang được gộp lại. Trong khi đó, hệ số đền bù giữa các tỉnh là khác nhau nên người nông dân ở các tỉnh nhận đền bù cũng khác nhau. Vì vậy, gần như người dân không hài lòng và rất khó khăn khi đền bù.

"Vì vậy, tôi kính đề nghị cần nâng giá đền bù đất lúa lên để dân thoả đáng, khâu giáo dục vận động dân cũng rất quan trọng. Đất của dân đang là đất thuê nên cần phải làm công tác tư tưởng cho dân hiểu. Ngoài ra, cơ chế cưỡng chế cũng cần đẩy mạnh", ông kiến nghị.

Theo ông Hiệp, quy trình thu hồi đất trên 100 bước, cực kỳ dài dòng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án. Vì vậy, rất cần phải khắc phục điều này sớm.

Một vấn đề nữa mà Chủ tịch GP.Invest đề cập đến là về Luật nhà ở, việc quy định 20% đất ở làm nhà ở xã hội tại các dự án cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều dự án cho đền bù bằng tiền, nhiều dự án lại phải cắt đất.  Ngoài ra, ông cho rằng việc quy định 20% đất này là nhà ở xã hội là chưa phù hợp do đặt một khu nhà ở xã hội bên nhà ở thương mại thì sẽ có sự chênh lệch hạ tầng, văn hoá, tiện ích. Vì vậy, 20% này nên thay bằng việc thu tiền và quy hoạch thành một khu nhà ở xã hội riêng. Đối với công nhân nên ưu tiên cho thuê hoặc xây nhà lắp ghép gần các khu công nghiệp.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nay hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đang vướng mắc về vấn đề chung cư cũ rất nhiều. Do đó cần phải thay đổi Thông tư 06.

Ngoài ra, câu chuyện quản trị chung cư ông đề nghị cũng cần phải bàn. Bởi lẽ, những người không biết về quản lý nhà, tài chính mà được làm Ban quản trị chung cư thì không phù hợp, nhiều bất cập, chưa kể vấn đề ăn chặn tiền quản trị.

Tin mới lên