Tiêu điểm

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Năm 2019 có hơn 1.000 Đảng viên và cá nhân bị xử lý

(VNF) – Tại hội nghị Chính phủ và các địa phương tổ chức sáng nay (30/12), Chủ tịch UBDN thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, cho hay từ năm 2016 đến nay có hàng nghìn cá nhân, tập thể bị xử lý.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Năm 2019 có hơn 1.000 Đảng viên và cá nhân bị xử lý

Ông Nguyễn Đức Chung

Theo ông Chung, năm 2019, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 22 chỉ tiêu kinh tế xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chung thừa nhận thành phố vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ công chức chưa tốt dẫn đến có trường hợp phải xử lý hình sự.

“Qua thanh tra, kiểm tra, từ năm 2016 đến nay đã xử lý 2.744 tập thể, riêng năm 2019 có 1.019 Đảng viên và cá nhân xử lý, chuyển cơ quan điều tra 37/40 vụ việc; đã xử lý hành chính 1.403 cá nhân, thu hồi 1.902 tỷ đồng, thu hồi 1.788 ha đất, xử lý, khắc phục kinh tế 881,39 tỷ đồng”, ông Chung cho biết.

Ông Chung cho hay trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, huy động cả hệ thống vào cuộc để hoàn thành 25 chỉ tiêu, GRDP đạt 7% trở lên; thực hiện tốt các chính sách cho người nghèo, người có công.

Về phía TP. HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, thông tin: GRDP của TP. HCM năm 2019 đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với 2018. Năng suất lao động đạt 299 triệu đồng/người, thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng, thu hút 8,3 tỷ USD vốn FDI.

Trong năm 2020, ông Phong cho biết TP. HCM sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, kìm chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách hiệu quả…

Người đứng đầu UBND thành phố cũng đề xuất 5 kiến nghị đối với trung ương. Một là TP. HCM kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Hai là, thành phố đề xuất xây dựng đề án tái cơ cấu tỷ lệ phân chia ngân sách, tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2021-2025. Ông phong kiến chị Chính phủ quan tâm, tạo nguồn lực tương xứng và động lực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ba là thành phố mong muốn Chính phủ quan tâm để TP.HCM xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế.

Bốn là, Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép TP. HCM áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Năm là Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tin mới lên