Nhân vật

Chủ tịch HBC trải lòng Ngày doanh nhân: ‘Việt Nam có thể trở thành quốc gia nổi tiếng về xây dựng’

(VNF) – Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cho rằng nếu làm đúng cách, xây dựng sẽ là ngành có lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam và Việt Nam có thể trở thành quốc gia nổi tiếng về xây dựng.

Chủ tịch HBC trải lòng Ngày doanh nhân: ‘Việt Nam có thể trở thành quốc gia nổi tiếng về xây dựng’

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HBC Lê Viết Hải

Hôm nay (13/10) là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Ngày doanh nhân năm nay đánh dấu mốc tròn 15 tuổi, kể từ khi cố Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Nhân dịp này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HBC, về tình hình chung của thị trường xây dựng, tình hình riêng của HBC và khát vọng nâng tầm ngành xây dựng Việt Nam.

- Năm nay, ngành bất động sản khá trầm lắng, điều này đã tác động thế nào tới lĩnh vực xây dựng, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Ngành bất động sản liên hệ mật thiết với ngành xây dựng, do đó sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực xây dựng. Theo các báo cáo, chưa bao giờ ngành xây dựng suy giảm trong mấy chục năm qua nhưng năm nay ngành này đã giảm 5%.

Điều này là rất đáng lo. Tuy nhiên, việc làm trong sạch môi trường đầu tư là cần thiết để ngăn chặn tình trạng lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, khai thác đất với giá rẻ, làm thất thoát nguồn thu của nhà nước.

Tôi cho rằng nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện quy chế đấu giá và nên ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện các bước nhằm đảm bảo sự hiệu quả và minh bạch. Ví dụ các tiêu chuẩn về đơn vị tham gia đấu giá, danh sách nhà thầu được mời, các điều kiện đấu giá… nếu tất cả đều dùng công nghệ để xử lý thì việc đánh giá sẽ trở nên khoa học, khách quan, không còn bị cảm tính.

- Việc ngành xây dựng suy giảm, rõ ràng, sẽ tác động đến mọi doanh nghiệp xây dựng. HBC đã có những hướng đi nào để duy trì đà tăng trưởng?

Thị trường giảm nên việc làm cũng giảm đi, hệ quả là giá nhà thầu cũng cạnh tranh, rất cạnh tranh. Điều này đã ảnh hưởng tới HBC.

Thực ra HBC không đến nỗi bị giảm doanh thu. Chúng tôi vẫn duy trì doanh thu ở mức tương đương, thậm chí cao hơn năm trước, nghĩa là về mặt kế hoạch doanh thu vẫn đảm bảo hoàn thành. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ có khó khăn. Hiện chúng tôi đang đánh giá lại kết quả quý III/2019, khả năng là sẽ không được như kế hoạch.

Để duy trì đà tăng trưởng, HBC đang tích cực phát triển các mảng kinh doanh vốn không phải là trọng tâm ở giai đoạn trước như xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng giao thông. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển ra thị trường nước ngoài, ví dụ HBC đã đầu tư một chung cư cao 31 tầng ở Hamilton (Canada), cách thành phố Toronto khoảng 45 phút chạy xe.

Chúng tôi cũng chuẩn bị cho một số dự án khác ở các nước như Úc, Mỹ, các nước Đông Nam Á và châu Âu. Vừa rồi tôi đi khá nhiều nước để tìm hiểu thị trường, nhìn chung có nhiều khó khăn nhưng tiềm năng cũng rất lớn. Lợi thế của HBC là làm công trình cao tầng mà ở các nước phát triển, công trình cao tầng lại chỉ dành cho vài công ty lớn.

Việc đi ra nước ngoài, ngoài việc cho chúng ta một thị trường lớn gấp nhiều lần thị trường trong nước, còn giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi nhiều kĩ thuật cũng như nâng cao trình độ quản lý.

Tôi cho rằng nếu biết làm đúng cách, xây dựng sẽ là ngành có lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam và Việt Nam sẽ có thể trở thành một quốc gia nổi tiếng về xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể đi ra thế giới. Còn nếu chúng ta không tập trung, không đầu tư thì ngành xây dựng nước nhà cũng chỉ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia chứ không thể phát triển được như Hàn Quốc.

Mà khi các doanh nghiệp thành công ở nước ngoài, đó sẽ là cách nâng tầm thương hiệu Việt Nam.

Bạn sẽ hỏi Việt Nam làm sao cạnh tranh với các doanh nghiệp sừng sỏ của nước ngoài? Tôi thấy rằng thực ra các công ty lâu đời có bất lợi là họ hoạt động trong môi trường cũ quá lâu, hệ thống của họ được xây dựng một cách hoàn hảo với môi trường đó. Và như thế, các công ty này rất bảo thủ, chậm đổi mới. Còn doanh nghiệp của ta, do đi sau, sẽ áp dụng được những thứ mới nhất. Tôi lấy ví dụ như giải pháp BIM trong xây dựng (Building Information Modeling), mình áp dụng tới 30% trong khi Hàn Quốc chỉ là 5%.

- Đi ra thế giới là một chặng đường dài mà điều kiện cần trước tiên là phải có nội lực mạnh. HBC hiện vẫn là doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam, nhưng dường như yếu điểm nợ vay lớn và nợ đọng vẫn chưa được xử lý triệt để, ông có bình luận gì không?

HBC đi theo mô hình khác với nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước. Chúng tôi là tổng thầu và tất nhiên có nhiều thầu phụ, nhưng chúng tôi không bao giờ giao trọn gói dự án cho một nhà thầu phụ nào mà sẽ trực tiếp quản lý dự án.

Ở các doanh nghiệp giao trọn gói dự án cho thầu phụ, tổng thầu sẽ chỉ phải trích 5% - 7% còn lại thầu phụ tự lo hết, bởi vì thầu phụ có máy móc, vật tư, tài chính riêng. Còn ở HBC, chúng tôi cung cấp cho công trường mọi thứ, do đó không thể lấy khoản nợ của công ty khác để so với HBC được.

Về nợ phải thu, thực tế có những chủ đầu tư lẽ ra 1 – 2 tháng phải trả tiền nhưng lại kéo dài tới 5 – 7 tháng với các lý do như họ khó khăn, bị chậm hoặc cũng có thể là họ gây khó khăn bằng cách tạo thủ tục pháp lý trong nghiệm thu, thanh toán, họ lợi dụng chuyện nhỏ nhặt để không trả tiền. Những trường hợp như thế cũng khá phổ biến.

Giờ tính thử, họ chậm trả 2 tháng, mình sẽ phải mất thêm 2 tháng để ứng vốn làm, vậy là mất 4 tháng. Doanh thu năm của HBC là 18.000 tỷ đồng, 4 tháng như vậy đã là 6.000 tỷ đồng, đó là thiệt hại vô hình về chi phí cơ hội.

Nhưng khi nhìn vào nợ phải thu, chúng tôi thấy không có gì nghi ngại, bởi rủi ro trong thu hồi nợ là không lớn. HBC hiện có khoảng 20 khách hàng là những công ty địa ốc lớn và rất lớn.

- Nhân “Ngày doanh nhân Việt Nam”, ông có thể bày tỏ mong muốn và thông điệp của mình?

Từ trước đến nay, tôi vẫn khuyến nghị các công ty xây dựng, từ xây dựng tổng hợp đến xây dựng chuyên ngành, nên nâng cao năng lực cạnh tranh theo chuẩn mực quốc tế để vươn ra nước ngoài. Dù trong nước hiện nay công việc rất nhiều nhưng chúng ta vẫn phải chuẩn bị để khi ngành xây dựng đạt tới ngưỡng bão hòa hay thị trường rơi vào suy thoái thì vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Đấy là điều đáng lưu tâm. Doanh nghiệp nên có một nơi đầu tư thích đáng để đảm bảo năng lực cạnh tranh ở nước ngoài. Có nhiều nơi để mình đi mà…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên