Ngân hàng

Chủ tịch HĐQT độc lập, tại sao không?

(VNF) - Dù không phải lời giải ngọn nguồn cho bài toán triệt tiêu tình trạng lợi dụng quyền hạn trong ngành ngân hàng nhưng xét về tính khả thi và đứng về phía lợi ích chung, cơ chế Chủ tịch HĐQT độc lập là lựa chọn tốt. Trên cương vị quản lý Nhà nước, nên chăng khuyến khích các ngân hàng phổ biến cơ chế này?

Chủ tịch HĐQT độc lập, tại sao không?

HDBank nếu có thay đổi trong vị trí chủ tịch HĐQT thì cũng sẽ không xảy ra xáo trộn gì đáng kể bởi ưu việt của cơ chế Chủ tịch HĐQT độc lập

Trong một diễn biến mới đây, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), như là động thái đầu tiên trong tiến trình rời bỏ cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp để giữ lại ghế Chủ tịch tại ngân hàng.

Theo quy định của Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, "Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết sẽ từ chức Chủ tịch tại Him Lam để "tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank", đồng nghĩa giữ lại ghế chủ tịch ngân hàng.

Lựa chọn của "bầu Thắng" hay "chủ soái" Dương Công Minh là dễ hiểu và nhiều khả năng sẽ là lựa chọn của đa số các chủ tịch ngân hàng, bởi quyền lực của cổ đông tại các ngân hàng bị giới hạn rất chặt (cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD), vì thế mà chiếc ghế chủ tịch vẫn rất cần thiết, giúp gia tăng thêm đáng kể quyền lực.

Nhưng liệu còn lựa chọn nào khác không?

Luồng sóng từ quy định mới "càn quét" qua hầu hết ngân hàng và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) không phải ngoại lệ. Bà Lê Thị Băng Tâm đang đứng trước lựa chọn cân não: giữ ghế Chủ tịch HDBank hay ghế Chủ tịch Vinamilk?

Quyết định là khó khăn với cá nhân bà Băng Tâm, nhưng với HDBank, dù lựa chọn của vị chủ tịch đương nhiệm là thế nào thì cũng không gây xáo trộn gì quá lớn tại ngân hàng này bởi ưu việt của cơ chế Chủ tịch HĐQT độc lập. Bà Lê Thị Băng Tâm hiện giữ cương vị Chủ tịch HĐQT độc lập ở cả HDBank và Vinamilk.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank

Theo quy định của Luật các TCTD, các ngân hàng bắt buộc phải có thành viên HĐQT độc lập. Để trở thành thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng, Luật các TCTD đưa ra tới 5 tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có điều kiện không trực tiếp, gián tiếp sở hữu hoặc đại diện sở hữu từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của TCTD; không cùng người liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của TCTD.

Trường hợp thành viên HĐQT độc lập trở thành Chủ tịch HĐQT xét trong hệ thống ngân hàng Việt Nam dù chưa phổ biến, nhưng không phải là không có. Ngoài trường hợp của bà Lê Thị Băng Tâm, trước đây có các trường hợp của ông Kiều Hữu Dũng tại Sacombank, ông Trần Xuân Giá ở ACB, ông Cao Sỹ Kiêm ở DongA Bank hay ông Hoàng Minh Thắng ở VPBank.

Trên lý thuyết, chủ tịch/thành viên HĐQT độc lập là người không có quan hệ "lợi ích riêng tư" trong doanh nghiệp, vì vậy sẽ đưa ra những ý kiến khách quan để bảo vệ lợi ích tổng thể của công ty, chứ không vì lợi ích riêng của một hoặc một nhóm người.

Cơ chế này cho phép cân bằng quyền lực và lợi ích tại ngân hàng, cũng là cơ chế giúp gia tăng tính minh bạch, khách quan, hạn chế một phần tình trạng cho vay sân sau nói riêng, lợi dụng quyền hạn nói chung – điều mà quy định "không đảm nhiệm đồng thời cương vị lãnh đạo ngân hàng – doanh nghiệp" mà Luật các TCTD sửa đổi đang hướng tới.

Thường thì các Chủ tịch HĐQT độc lập là những người tương đối có uy tín trong xã hội, vì vậy, cơ chế này cũng hạn chế phần nào tình trạng "lách" luật, "dựng" người thân tín vào ghế Chủ tịch – điều làm mất đi hiệu lực, hiệu quả của quy định mới.

Dù không phải lời giải ngọn nguồn cho bài toán triệt tiêu tình trạng lợi dụng quyền hạn trong ngành ngân hàng nhưng xét về tính khả thi và đứng về phía lợi ích chung, cơ chế Chủ tịch HĐQT độc lập là lựa chọn tốt. Trên cương vị quản lý Nhà nước, nên chăng khuyến khích các ngân hàng phổ biến cơ chế này?

Tin mới lên