Tài chính quốc tế

Chủ tịch Huawei tuyên bố cứng rắn với những nước ‘hùa theo Mỹ’

(VNF) - Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Lương Hoa (Liang Hua) mới đây tuyên bố tập đoàn này sẽ chuyển giao quan hệ đối tác tới những nước mà họ được hoan nghênh thay vì những nước đã tẩy chay họ.

Huawei đã bổ nhiệm ông Lương vào vị trí CFO vào tháng trước sau khi bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) bị bắt tại Vancouver, Canada hôm 1/12/2018 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ ngày 22/1, ông Lương tuyên bố: "Chúng tôi không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với xã hội kỹ thuật số tương lai".

Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Lương Hoa.

Theo ông Lương, Huawei tuân thủ mọi luật lệ tại các quốc gia mà họ hoạt động và sẵn sàng chào đón giới chức nước ngoài đến tham quan, kiểm tra cơ sở và quy trình kinh doanh.

Đồng thời ông khẳng định rằng Mỹ đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm của Huawei được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin.

“Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào những khách hàng chọn chúng tôi. Nếu khách hàng không chọn chúng tôi, đó là lựa chọn của họ", ông Lương nhấn mạnh.

Theo tuyên bố của ông Lương, trong thời gian tới, cứ mỗi 5 năm, Huawei sẽ đầu tư 20 tỷ USD xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ mạng 5G tốc độ cao.

“Sự đầu tư mạnh mẽ vào quá trình đổi mới công nghệ này mang lại lợi ích không chỉ riêng cho Huawei mà còn cả nhân loại”, ông Lương cho hay.

Trước đó, trong buổi phỏng vấn trên đài truyền hình Trung Quốc CCTV, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) khẳng định giải pháp 5G và không dây của Huawei thuộc hàng đẳng cấp thế giới, sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà các nước phương Tây đối mặt trong việc phát triển 5G.

“Họ dại dột và sẽ mất tiền nếu không mua sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi có nhiều thứ mà các nước châu Âu cùng Mỹ cần, và họ sẽ phải mua từ chúng tôi”, ông Nhậm trả lời phóng viên CCTV khi được hỏi về lệnh cấm hàng Huawei từ một số nước.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.

Huawei, hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phải đối mặt với những cáo buộc từ Mỹ rằng những thiết bị của họ là một mối đe dọa về an ninh.

Huawei liên tiếp vấp phải những thách thức ở châu Âu sau khi nhà mạng Orange của Pháp và Deutsche Telekom của Đức có động thái "tẩy chay" tập đoàn này. Orange tuyên bố sẽ không thuê Huawei để xây dựng hạ tầng mạng thế hệ mới tại Pháp trong khi Deutsche Telekom thông báo sẽ xem xét lại kế hoạch hợp tác.

Theo Reuters, thông tin trên đã cho thấy sự thay đổi trong lập trường của chính phủ Đức. Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Đức từng tuyên bố với các nghị sĩ rằng không có nền tảng pháp lý để loại bất kỳ đối tác nào khỏi cuộc đấu thầu về mạng lưới 5G sắp tới tại Đức, kể cả sau những lời cảnh báo từ Mỹ.

Các quan chức Mỹ từng chia sẻ với các đồng minh tại Đức rằng Huawei có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để giúp tập đoàn này thực hiện các hành vi gián điệp qua mạng.

Bên cạnh đó, các đồng minh của Mỹ, dẫn đầu là Australia, đã quyết định loại Huawei khỏi kế hoạch xây dựng mạng 5G tại những nước này vì lo ngại vấn đề an ninh. Một số quốc gia đã chính thức cấm hoặc đang cân nhắc dừng sử dụng các thiết bị của Huawei như New Zealand, Anh, Canada, Nhật Bản, Italy, Ấn Độ.

Xem thêm >> Kết hôn giả để ở lại Singapore, hai phụ nữ Việt bị phạt tù 6 tháng

Tin mới lên