Diễn đàn VNF

Chủ tịch Lux Group: 'Du lịch hậu Covid-19 cần tập trung vào khách cao cấp'

(VNF) - "Sau Covid-19, du lịch Việt Nam cần định vị lại thương hiệu quốc gia, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu, khách cao cấp có khả năng chỉ trả cao, ở lâu hơn và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nêu quan điểm.

Chủ tịch Lux Group: 'Du lịch hậu Covid-19 cần tập trung vào khách cao cấp'

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Việc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch quốc tế, chủ yếu là khách du lịch giải trí, tuy nhiên phân khúc khách đi công tác và hội họp (MICE) cũng được hưởng lợi từ việc nới lỏng các hạn chế này. Bên cạnh đó, phân khúc khách hàng sang trọng có khả năng chi trả cao (mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ) nhưng cũng là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng.

Xung quanh vấn đề Việt Nam mở cửa du lịch, nên hướng tới phân khúc khách nào, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group:

- Việt Nam sẽ chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3. Sau khi mở cửa du lịch, chúng ta nên đón khách đại trà hay tập trung vào thị trường, phân khúc du khách nào?

Du lịch Việt Nam cần xác định sức hút, điểm khác biệt là gì, khách hàng là ai, ở đâu, họ thích gì, làm sao để thỏa mãn họ. Chúng ta không bán cái chúng ta có mà phải bán cái khách hàng cần, muốn vậỵ phải định vị cho được thương hiệu du lịch quốc gia Việt nam trong mắt khách hàng tiềm năng. Khách hàng ở đâu, "marketing" ở đó, có vậy mới trúng và đúng. Chúng ta cần định vị du lịch Việt nam là điểm đến di sản, nâng tầm, sáng tạo thu hút khách sang trọng.

Hiện nay một số điểm đến tại Việt Nam đã quá tải, phát triển ồ ạt gây mất cảnh quan, ô nhiễm mỗi trường, hạ tầng xuống cấp, dịch vụ tệ do quá đông và quá tập trung vào một nguồn hoặc nhiều nguồn khách đại trà. Chính vì vậy, sau Covid-19, du lịch Việt Nam cần định vị lại thương hiệu quốc gia, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu, khách cao cấp có khả năng chỉ trả cao, ở lâu hơn và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại.

- Nếu là phân khúc khách du lịch chi tiêu cao, sản phẩm nào hay điều gì thu hút họ trở lại Việt Nam?

Việt Nam chúng ta đã được nhiều tạp chí quốc tế chuyên về du lịch sang trọng như: Conde Nast Traveler, Travel and Leisure hay Vituosso đánh giá là điểm đến du lịch sang trọng mới nổi của thế giới.

Việt Nam chúng ta có văn hóa, di sản, ẩm thực, con người hiếu khách. Hạ tầng chúng ta ngày càng tốt, kết nối hàng không thuận tiện, đường bộ, đường biển ngày càng dễ dàng, nhiều bãi biển đẹp, những vùng vịnh kỳ quan và những trải nghiệm mới, điểm đến mới như Phú Quốc sánh ngang Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan).

Du khách cao cấp có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận tiện, nhiều trải nghiệm, giàu cảm xúc cho “thân, tâm và tuệ”. Chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, thoả mãn họ mọi điểm chạm để khách du lịch đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại.

Khách du lịch hiện nay chú trọng vào sự phát triển bền vững, sản phẩm du lịch trải nghiệm giàu cảm xúc tại từng điểm đến. Du lịch Việt Nam cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên 6 trụ cột: gìn giữ tài nguyên môi trường, trách nhiệm văn hoá xã hội, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm, trả lương ổn định cho người dân địa phương, khách hàng thoả mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận.

Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 cần khắm tới khách sang trọng, quan tâm tới di sản văn hoá, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Chúng ta nên tập trung vào chất hơn lượng. Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa du lịch thành công thì chúng ta cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như tập trung vào khai thác khách du lịch tại các nước như: Đức, Tây Ban Nha, Pháp hay Úc. Cùng với đó, có thể tập trung vào thị trường các nước trong khu vực ASEAN, các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ, tập quán văn hoá và hành vi tiêu dùng. Tôi cho rằng nếu hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến thì ngay lập tức sẽ tạo được hiệu ứng tốt tại các thị trường mục tiêu và sẽ có khách ngay trong mùa hè này (từ tháng 5-6).

- Hiện nay Việt Nam có ưu điểm, nhược điểm gì trong thu hút khách chi trả cao? Chúng ta có thể học hỏi gì từ các nước trong khu vực hay những điểm đến hàng đầu thế giới về dòng khách này?

Hiện tại chúng ta chưa nhắm tới họ một cách bài bản và trọng tâm. Du lịch Việt Nam cần phải coi khách hàng làm trung tâm của mọi chính sách phát triển. Nghịch lý là chúng ta đang có các giải thưởng lớn về du lịch sang trọng, các khu nghỉ tầm cỡ quốc tế, các thương khách sạn hàng đầu thế giới, tuy nhiên du lịch Việt Nam lại chưa có hình ảnh đẹp, sang  trọng trong tâm trí khách hàng quốc tế.

Để thu hút họ thì chúng ta phải biết họ là ai, muốn gì, du lịch kiểu như thế nào, trải nghiệm nào họ thích, tại sao lại chọn chúng ta thay vì các đối thủ cạnh tranh chúng ta như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore.

Các nước trong khu vực đều có định vị phân phúc này riêng, họ tập trung chính sách và nguồn lực để thu hút họ. Ví dụ Malaysia có chính sách ngôi nhà thứ hai ("second home"), cho khách nghỉ hưu, đến vùng nắng ấm, không cần visa, ở bao lâu tùy thích. Hay Tổng cục Du lịch Thái Lan có hẳn một phòng cao cấp, các sản phẩm, video thương mại dành riêng cho phân khúc này; các hình ảnh và trải nghiệm chân thực; khách đến sân bay có làn riêng "fast track"; không cần kiểm tra visa và ra thẳng xe limousine; xe cảnh sát hộ tống; các dịch vụ bay "private jet"; du thuyền và đánh golf.

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch Thái Lan có riêng phòng du lịch sang trọng chuyên trách kết nối các hãng lữ hành, sản phẩm trải nghiệm sang trọng, cập nhật các xu thế, nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách sang trọng và thỏa mãn họ. Tôi cho rằng, Việt Nam chúng ta cần học hỏi từ họ.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội bứt phá của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay?

Cơ hội phục hồi cho các nước hiện nay là như nhau. Nước nào chuẩn bị tốt và nhanh thích ứng thì sẽ nắm bắt được cơ hội vàng này. Giờ đây không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm.

Tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành quốc gia du lịch hàng đầu châu Á về di sản và du lịch biển. Tuy nhiên, để đạt được điều này, về lâu dài du lịch Việt Nam cần giải quyết các điểm yếu nút thắt như: thể chế chính sách (trong đó có vấn đề visa (visa long stay, miễn visa 1 tháng vào ra nhiều lần, tiến tới bỏ visa thực hiện chính sách thân thiện visa để thu hút du khách cao cấp); nguồn nhân lực có chất lượng; sản phẩm du lịch nhiều chất xám, giầu cảm xúc, chân thực độc đáo, đa dạng; định vị thương hiệu du lịch quốc gia giàu có về di sản và nhận diện lại thương hiệu trong mắt du khách quốc tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm: Mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3: Doanh nghiệp lên phương án thế nào?

Tin mới lên