Diễn đàn VNF

Chủ tịch ngân hàng không được kiêm nhiệm: Gốc không sửa thì sửa ngọn liệu có ích?

(VNF) - Chuyên gia nói hiện đang tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan tới sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nên dù có quy định thì thực tế vẫn vướng. "Gốc đã không ổn thì sửa ngọn có ích gì?"

Chủ tịch ngân hàng không được kiêm nhiệm: Gốc không sửa thì sửa ngọn liệu có ích?

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11 quy định Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng sẽ không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, quy định này có thực sự phát huy được tác dụng trên thực tế hay nó còn làm thị trường thiếu minh bạch hơn, khi các ông chủ quyền lực buộc phải nghĩ ra kế sách để "lách luật", dùng "người đóng thế" và vẫn "buông rèm nhiếp chính".

Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC nhận xét:

"Mọi người có quyền nghi ngờ về tính thực tiễn, hiệu quả của quy định nêu trên, bởi thực tế, vẫn có tình trạng "lách luật", một vị làm chủ 2 ngân hàng để tránh quy định cấm sở hữu chéo, với trường hợp này cũng tương tự.

Quy định Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức danh chủ chốt trong doanh nghiệp khác có thể xuất phát từ đòi hỏi minh bạch hoá thị trường, giảm thiểu lợi ích nhóm, cho vay công ty "sân sau". 

Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế thì tác động tới minh bạch của thị trường của quy định này là rất nhỏ, bởi chúng ta cũng đã có quy định về việc công ty có liên quan tới chủ ngân hàng không được vay hoặc phải được sự thông qua của HĐQT. Vì thế, dù có muốn "lợi dụng" vốn ngân hàng cho công ty sân sau thì các ông chủ ngân hàng cũng sẽ không đứng tên".

Lấy ví dụ cho trường hợp này, ông Đức cho biết, qua các vụ án gần đây có những trường hợp một ông Giám đốc khối của một ngân hàng được ông chủ ngân hàng cử sang làm Tổng giám đốc một công ty sân sau.

Sau đó, ông Tổng giám đốc "bù nhìn" này chỉ có một việc duy nhất là ký văn bản đề xuất xin vay vốn tại ngân hàng mẹ, rồi ông Giám đốc khối lại xem xét hồ sơ trên. Số tiền được phê duyệt vay có khi lên tới hàng nghìn tỷ đồng một cách dễ dàng. Như vậy, về mặt pháp lý, ông Chủ tịch HĐQT không có liên quan gì tới câu chuyện trên.

"Nói vậy để thấy quy định không cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm chức vụ tương đương tại các doanh nghiệp khác sẽ không có tác dụng gì để minh bạch thị trường hay giảm cho vay công ty sân sau nếu họ cố tình vi phạm. Họ có thể "lách" bằng nhiều cách, ví như cho một ông Trưởng phòng làm Tổng giám đốc công ty sân sau, vừa không vướng quy định, ông Chủ tịch HĐQT ngân hàng lại vừa dễ dàng "trốn tội" khi có biến", ông Đức nói.

Trả lời câu hỏi, nếu quy định trên không thay đổi được thực tế thì làm sao mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề nêu trên, ông Đức cho rằng, hiện nay chúng ta đang tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan tới sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nên dù có quy định thì thực tế vẫn vướng. "Gốc đã không ổn thì sửa ngọn có ích gì", ông nêu vấn đề.

"Ví dụ, nếu đã chấp nhận bổ nhiệm một người như ông Phạm Công Danh có tiền án làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng thì hệ quả như ngày hôm nay là tất yếu", ông Đức nêu ví dụ.

Tin mới lên