Tiêu điểm

Chủ tịch nước yêu cầu phải chấm dứt tình trạng 'bán thầu' khi làm cao tốc Bắc - Nam

(VNF) - Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án các tuyến cao tốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải chấm dứt tình trạng “bán thầu” tại các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Chủ tịch nước yêu cầu phải chấm dứt tình trạng 'bán thầu' khi làm cao tốc Bắc - Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với việc kiến nghị cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, thời gian đầu tư xây dựng tuyến cao tốc quan trọng này, đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, chống tham nhũng, thất thoát.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai.

Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, như quy hoạch, thiết kế... đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.

Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án các tuyến cao tốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công.

Song song với đó, Chủ tịch nước yêu cầu phải chấm dứt tình trạng “bán thầu” như việc nhiều đơn vị nhận được gói thầu, sau đó bán lại cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian.

"Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số gói do bán thầu, nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án, không thể buông lỏng để chống thất thoát. Muốn thực hiện nhanh dự án cần có cơ chế khi dự án là vốn Nhà nước tập trung, nếu giao một số dự án cho địa phương thì dễ xảy ra nhiều vấn đề trong khớp nối, chất lượng và kinh nghiệm thi công.

Quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu. Tất cả những cách làm này bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án.

“Việc làm cao tốc Bắc - Nam là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của Quốc hội một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động, nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát biểu về chủ trương xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc xây dựng đường cao tốc lâu nay còn chậm. Chính phủ đang tổng kết nghiêm túc để xem xét nguyên nhân là do chủ trương, chính sách, hay tổ chức thực hiện.

Vì thế, Thủ tướng cho rằng nên tháo gỡ cơ chế, chính sách, thể chế và tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm chất lượng, chống được tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham nhũng trong việc thực hiện dự án này.

Các địa phương đề nghị phân cấp về giao thông, chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Do đó, phải tiếp tục rà soát phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát cùng với bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ tướng đánh giá Bộ GTVT vẫn còn ì ạch trong việc triển khai các dự án. Nay công việc gấp đôi, thời gian không tăng, đòi hỏi phải làm nhanh, nhưng bảo đảm chất lượng, chống được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thủ tướng nhấn mạnh đây luôn là bài toán khó. Bởi có nơi làm tốt, nơi chưa tốt, trong khi tuyến đường trải dài hơn 700 km đi qua nhiều tỉnh, thành phố nên sẽ có cách làm khác nhau.

Vì thế, phải có giải pháp để có sự thống nhất tương đối, đảm bảo nguyên tắc vừa giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, nhất là đối với những tỉnh, thành phố tương đối giống nhau, tỉnh giáp ranh... để làm sao bảo đảm cuộc sống nơi ở mới của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Tin mới lên