Công nghệ

Chủ tịch Qualcomm: '5G là cuộc chơi mang tính đồng đội'

Cristiano Amon, Chủ tịch Qualcomm Technologies, cho rằng cuộc chơi 5G đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. 5G không chỉ gói gọn trong smartphone mà cần được triển khai đa lĩnh vực.

Chủ tịch Qualcomm: '5G là cuộc chơi mang tính đồng đội'

Vi xử lý Snapdragon 865 và modem 5G thế hệ mới của Qualcomm vừa được ra mắt tại Hawaii

Tại sự kiện Qualcomm Summit tổ chức tại Hawaii, Mỹ, ông Cristiano Amon - Chủ tịch Qualcomm Technologies nhắc lại việc 2019 là năm đầu tiên của công nghệ 5G.

Báo chí, truyền thông, giới công nghệ hào hứng với 5G. Thế nhưng, với người dùng, 5G đơn giản chỉ là nâng cao tốc độ kết nối mạng Internet, là có thể tải hàng chục GB dữ liệu trong ít phút hay là những mẫu điện thoại đặt theo công thức "ABC + 5G" với giá hàng nghìn USD.

Vậy ngoài những công dụng trên, 5G có ý nghĩa như thế nào để giới công nghệ gọi đây là cuộc cách mạng và Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào khi 5G hiện hữu?

Để trả lời câu hỏi này, ba đại diện cấp cao của Qualcomm gồm ông Cristiano Amon (Chủ tịch Qualcomm Technologies), ông Alex Katouzian, (Phó Chủ tịch cao cấp và Giám đốc Điều hành lĩnh vực Di động, Qualcomm Technologies) và ông ST Liew (Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies, Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan và Đông Nam Á) đã có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ hơn vấn đề liên quan trực tiếp đến phát triển 5G tại Việt Nam.

Tốc độ phát triển 5G tại Đông Nam Á sẽ chậm hơn

- Tại thị trường APAC, Qualcomm dự đoán công nghệ 5G phát triển như thế nào?

5G sẽ được triển khai với tốc độ nhanh hơn các thế hệ mạng trước đây như 3G hay 4G. Dẫn chứng là việc năm 2019 đã có hơn 40 nhà mạng trên khắp thế giới tham gia 5G. Trong thời gian tới, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước Đông Nam Á sẽ triển khai thành công công nghệ mạng không dây mới này. 

Tuy vậy, phải thừa nhận thị trường Trung Quốc đang có tốc độ phát triển 5G rất nhanh khi hàng triệu trạm phát đang được triển khai. Tại thị trường Đông Nam Á, tốc độ này sẽ chậm hơn đôi chút.

- Đa phần các nước Đông Nam Á chưa triển khai 5G. Vậy kế hoạch tiếp cận thị trường này của Qualcomm là gì?

Người dùng có xu hướng sẵn sàng mua các thiết bị 5G ngay cả khi nền tảng mạng không dây này chưa sẵn sàng.

Cụ thể, người tiêu dùng thường lựa chọn thiết bị để sử dụng trong khoảng 4 năm. Do đó, ngay tại nơi mạng 5G chưa phủ sóng nhưng có kế hoạch triển khai trong tương lai gần, người dùng cũng có nhiều khả năng lựa chọn điện thoại 5G.

Bên cạnh đó, hiệu năng của các thiết bị 5G cũng sẽ vượt trội hơn so với thiết bị 4G. Ví dụ, những mẫu điện thoại cao cấp với camera đẹp thường sẽ đi kèm với công nghệ 5G.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ vẫn bán những thiết bị trang bị modem 4G thật tốt. Vì người sử dụng một chiếc smartphone có chip Qualcomm 4G sẽ tiếp tục lựa chọn chúng tôi cho thế hệ điện thoại sau có 5G. Đó được xem là một cách mở rộng thị trường lâu dài.

Ngoài smartphone, Việt Nam cần triển khai 5G cho nhiều lĩnh vực hơn

- Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc phát triển 5G. Theo ông, Việt Nam sẽ phải làm gì để triển khai 5G thành công? 

Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm trong việc triển khai 5G trong năm tới. Điều này rất đáng khen ngợi, cho thấy tầm nhìn xa của chính phủ.

Vốn đã có sẵn nền tảng 4G rất tốt, Việt Nam có thể phát triển mạng 5G nhanh chóng, dùng cách tiếp cận DSS (Dynamic Spectrum Sharing) trong thời gian đầu.

Qualcomm cũng là một trong những đối tác đã làm việc chặt chẽ với chính phủ cũng như các nhà mạng Việt Nam để hiện thực hóa tương lai 5G. Chúng tôi hợp tác với Viettel và VNPT để thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trong năm 2019. Sắp tới, công nghệ DSS của Qualcomm có thể giúp Việt Nam triển khai 5G dựa trên cơ sở hạ tầng mạng 4G sẵn có.

- Nếu triển khai 5G, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì? Hướng giải quyết ra sao?

Ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies, Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan và Đông Nam Á cho rằng chính phủ Việt Nam đã có quyết tâm triển khai 5G trong năm tới.

Chắc chắn rằng để đạt được bất kỳ thành tựu mới thì phải vượt qua thách thức. Tuy nhiên, tôi không cho rằng chúng là khó khăn. Chúng chỉ đơn giản là những điều ta phải làm để phát triển và tiến lên phía trước. Điều quan trọng là chúng ta phải biết mình cần gì, từ đó phân loại ưu tiên để triển khai có lộ trình.

Trong trường hợp của Việt Nam, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, trong thời gian đầu có thể triển khai cục bộ tại một số đô thị thông minh hoặc các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, để có thể đưa ra lộ trình phát triển với ưu tiên rõ ràng, tôi khuyến nghị Việt Nam cố gắng triển khai và ứng dụng 5G vào những ngành rộng hơn ngoài điện thoại di động, bởi di động chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ 5G.

Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất rất phát triển. Đây là một nền móng tốt để tận dụng công nghệ 5G, tạo ra đột phá trong cuộc cách mạng 4.0.

Qualcomm vẫn luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng mạng, từ 3G và 4G, lên tới nay sẽ tiếp tục giúp đỡ triển khai mạng 5G. Cụ thể, trong thời gian qua, Qualcomm đã làm việc chặt chẽ để đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ về việc quy hoạch băng tần, bao gồm cả dải tầm trung (mid-band) là sub-6 (dải 3,5 GHz), và cả 6mmWave.

Ngoài ra, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhiều đối tác tại Việt Nam bao gồm: nhà mạng Viettel, VNPT, nhà sản xuất smartphone VinSmart, BKAV, nhà sản xuất thiết bị IoT Homa Techs.

Cụ thể hơn, Qualcomm đang hợp tác với các nhà mạng trong nước như Viettel và VNPT và triển khai thành công mạng 5G tại Việt Nam, phù hợp với mục tiêu thương mại hóa 5G tại Việt Nam vào năm 2020. Hiện, chúng tôi đã hoàn thành khóa đào tạo 5G với Viettel và VNPT.

Qualcomm cũng đã mang đến công nghệ kết nối hàng đầu cho phép các nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM) tại Việt Nam phát triển, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm “Make In Vietnam” đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, Qualcomm và Vinsmart đã ký kết thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế thiết bị đầu cuối đa chế độ hoàn chỉnh. Qualcomm cho phép VinSmart sử dụng sáng chế bản quyền để phát triển, sản xuất và bán các thiết bị đầu cuối đa chế độ, các sản phẩm hoàn chỉnh như smartphone 4G/5G. 

Trong mối quan hệ với BKAV, chúng tôi hỗ trợ họ trong việc thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm của họ, đặc biệt là Bphone. Năm ngoái, chúng tôi đã gửi một nhóm kỹ sư của BKAV đến Đài Loan để đào tạo về cách điều chỉnh camera trên smartphone, giúp họ cải tiến camera trên các thiết bị của mình.

Với Homa Techs, các bộ vi mạch điện tử được hỗ trợ AI của Qualcomm cho phép công ty này phát triển và thương mại hóa các thiết bị IoT, đưa những ngôi nhà thông minh trong tương lai thành hiện thực.

5G có phải phép màu trong tương lai?

- Theo ông 5G sẽ làm được những gì vượt trội hơn các thế hệ mạng trước đây?

Nếu như công nghệ 3G, 4G trước đây tập trung vào kết nối điện thoại thì với 5G, chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế. Vượt ra ngoài lĩnh vực điện thoại, chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực để khám phá và phát triển các ngành công nghệ chuyên sâu theo chiều dọc.

Phát triển theo chiều dọc ở đây là sản xuất thông minh - một phần quan trọng của Công nghiệp 4.0. Với sự phát triển của 5G, nhiều ứng dụng đã đang được triển khai và tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa.

Cụ thể, với tốc độ nhanh, độ trễ thấp, và độ ổn định cao, 5G sẽ giúp hoàn thiện hoá hệ thống tự động tại các nhà máy. Bên cạnh đó, tính năng AI giúp các nhà máy có thể phân tích số lượng dữ liệu lớn một cách nhanh chóng, giúp đơn giản hoá quá trình làm việc và đưa ra quyết định, giúp quản lý hiệu quả.

Như vậy, có 5G chúng ta sẽ làm tốt những lĩnh vực sau:

Vận tải: Ứng dụng 5G sẽ làm thay đổi mạnh mẽ ngành vận tải. Hiện nay, tại Singapore và Hongkong đã có một số trung tâm vận tải. Ứng dụng mạng 5G sẽ giúp phát triển các công nghệ xây dựng nền tảng vận tải thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành.

Thành phố thông minh: một ví dụ đơn giản về thành phố thông minh như hệ thống giao thông sẽ được nâng cấp đáng kể. Các phương tiện sẽ có khả năng kết nối và liên lạc với nhau, đồng thời có thể giao tiếp với cơ sở hạ tầng giao thông (như đèn tín hiệu, các khu vực cảnh báo) góp phần giảm thiểu tai nạn, tăng sự an toàn cho người sử dụng giao thông. Một số ứng dụng khác như hệ thống toà nhà thông minh giúp giảm tiêu thụ năng lượng, xây dựng môi trường xanh sạch.

Về đô thị thông minh, có hàng triệu các ứng dụng sẽ được đưa vào đời sống. Từ những vật dụng gia đình tưởng chừng như đơn giản cửa, rèm, hay hệ thống đèn điện… sẽ được tích hợp AI và 5G để mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác.

5G sẽ giúp các vật dụng kết nối và giao tiếp với nhau, công nghệ AI sẽ giúp các vật dụng này phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định phù hợp, giảm thiểu tác động từ con người. Từ đó, cuộc sống con người sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Đô thị thông minh cũng là nơi tập trung các công nghệ xanh, tối ưu hóa nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường...

5G là cuộc chơi mang tính đồng đội

- Với sự phát triển ngày càng nhanh của mạng 5G, liệu Qualcomm có phải thay đổi/mở rộng mạng lưới đối tác của mình không?

Xin lưu ý rằng, 5G là một cuộc chơi mang tính đồng đội. Để có thể khai thác tối đa tiềm năng của 5G, các thành phần của nền kinh tế cần phối hợp với nhau để khám phá và phát triển những ứng dụng cụ thể, phù hợp với nhu cầu phát triển của người tiêu dùng và sự thay đổi cấu trúc xã hội.

Tiềm năng của 5G là vô cùng lớn, vượt trội so với các thế hệ mạng không dây trước và chắc chắn vượt ra ngoài ngành điện thoại thông minh.

Do đó, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác của mình, không chỉ bó hẹp trong ngành điện thoại mà còn bao gồm các ngành công nghiệp khác sẵn sàng bước vào cuộc chơi công nghệ số.

Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp công nghệ nền tảng có thể giúp thúc đẩy sáng kiến trong các ngành khác nhau, giúp doanh nghiệp nâng cấp dịch vụ và sản phẩm để làm hài lòng người tiêu dùng hơn. 

Để làm được điều này, chúng tôi đã gặp gỡ và thúc đẩy nhiều dự án phát triển với các đối tác khác nhau, từ nhà mạng, tới các nhà sản xuất điện thoại, các doanh nghiệp phát triển thiết bị tích hợp 5G, nhà sản xuất thiết bị IoT, tới người tiêu dùng.

- Ông có thể chia sẻ thêm về quan hệ hợp tác giữa Qualcomm và Vingroup?

Chúng tôi và Vingroup có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ bao gồm rất nhiều hoạt động hợp tác. Sứ mệnh của chúng tôi là đưa ra các giải pháp để các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối giới thiệu sản phẩm tới thị trường.

Chúng tôi luôn cho rằng, càng nhiều nhà sản xuất thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các OEMs muốn tham gia vào thị trường. Do đó, chúng tôi luôn dành sự hỗ trợ lớn cho Vingroup.

Các hoạt động hợp tác của chúng tôi bao gồm từ khâu giúp họ thiết kế điện thoại, giúp phát triển sản phẩm và có thể thu hút các nhà mạng, quảng bá trên các thị trường khác nhau. Chúng tôi cũng hỗ trợ họ trong việc thử nghiệm, chỉnh sửa và cải tiến thiết kế phù hợp với phân khúc thị trường khác nhau để Vingroup kiến thiết hình ảnh thương hiệu giá trị trên thị trường.

- Theo ông, có cơ hội nào cho VinSmart phát triển và vươn tới thị trường quốc tế, cạnh tranh với các hãng lớn trên thế giới, tại thị trường Việt Nam cũng như toàn cầu?

Tôi cho rằng chinh phục thị trường trong nước là điều cực kỳ quan trọng đối với VinSmart. Tôi nghĩ rằng họ có đủ khả năng và thương hiệu họ hoàn toàn có thể chiến thắng trong thị trường Việt Nam. Chúng tôi vẫn luôn hỗ trợ họ trong việc phát triển thương hiệu trong nước. Bước tiếp theo, VinSmart hoàn toàn có thể tiến tới các thị trường nước ngoài.

- Sau 5G, Qualcomm có dự định phát triển hạ tầng mạng 6G không?

Tất nhiên chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục trở thành người dẫn đầu trong việc phát triển 6G, giống như chúng tôi đã làm với các thế hệ mạng không dây trước đó. Thế nhưng, thông thường, để phát triển một thế hệ mạng không dây mới sẽ mất khoảng chục năm.

Điều đang diễn ra hiện nay là các nước đang tiếp tục tìm cách phân và khai thác các phổ tần khác nhau. Đồng thời hiện nay nếu chúng ta tiếp tục nâng cao năng lực xử lý (processing power) và máy học (machine learning), chúng ta có thể nâng cao hơn nữa hiệu năng. Do đó, tôi tin rằng ngành viễn thông và ICT vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới 6G.

Tin mới lên