Tiêu điểm

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách tiền tệ và tài khóa đã góp phần hạn chế các tác động bất lợi

(VNF) - Chính sách tiền tệ và tài khoá được Quốc hội đánh giá là thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách tiền tệ và tài khóa đã góp phần hạn chế các tác động bất lợi

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách tiền tệ và tài khóa đã góp phần hạn chế các tác động bất lợi

Sáng 24/3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Nhìn lại chặng đường 5 năm, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

"Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình", Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn.

Quốc hội đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, nhiều quyết định đã được xem xét, ban hành kịp thời, nhiều chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm.

Chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Người đứng đầu Quốc hội khóa XIV tin tưởng rằng, những thành tựu của 75 năm Quốc hội sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2020 của các lãnh đạo Nhà nước.

Ngày 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ngày 31/3, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; cùng với đó, miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sáng 1/4, Quốc hội bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín; chiều 1/4, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 2/4, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng ngày, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ngày 5/4, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng ngày, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ngày 6/4, Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, tiếp sau đó, Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ngày 7/4, Quốc hội bầu Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng ngày, Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sáng 8/4, Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tin mới lên