Tiêu điểm

Chủ tịch Quốc hội: 'Nghiên cứu gia hạn hạn biểu giá điện gió'

Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội: 'Nghiên cứu gia hạn hạn biểu giá điện gió'

Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và thực hiện Nghị quyết 31 về dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trước đề xuất gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022 của tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành thương mại kịp trước ngày 1/11/2021 do chịu tác động của dịch.

Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 84 nhà máy điện gió, tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành thương mại, hoà lưới trước ngày 1/11, để hưởng giá FIT trong 20 năm. Còn lại 62 dự án không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi này.

Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Thuận đề xuất cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế mới giá điện mặt trời, sau khi cơ chế giá ưu đãi đã hết hạn. Về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định 13 về khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ 31/12/2020. Các dự án đầu tư, vận hành sau thời điểm này được Bộ Công Thương cho biết sẽ chuyển sang cơ chế giá đấu thầu. Tuy nhiên, hiện cơ chế này vẫn chưa được bộ ban hành, nhiều dự án có quy hoạch không thể triển khai vì không có cơ chế giá.

Liên quan tới chính sách tháo gỡ khó khăn khi dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách. Tỷ lệ này trước mắt có thể áp dụng đến năm 2023. Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ đều đã có chủ trương phát triển nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thực hiện chủ trương tại hai Nghị quyết này, cố gắng đưa vào kỳ quy hoạch sớm hơn.

Về đầu tư lưới điện, nếu chuẩn bị kịp, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ báo cáo Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp chuyên đề cuối năm nay. Dự án Luật sửa đổi Luật Điện lực cũng đã đề cập vấn đề đầu tư hệ thống truyền tải điện để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện.

Tin mới lên