Nhân vật

Chủ tịch Sonadezi: Luật pháp thiếu nhất quán đang làm khó nhà đầu tư

(VNF) - Đăng đàn tại Quốc hội mới đây, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi cho rằng sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật gần đây đang làm khó cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch Sonadezi: Luật pháp thiếu nhất quán đang làm khó nhà đầu tư

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng. Ảnh TL

Theo bà Hằng, kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp chính là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, bởi trong thực tiễn việc thực thi các luật vẫn còn nhiều bất cập, các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đa ngành đi vào thực tế còn chậm, nội dung chưa nhất quán, không tương thích và thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau.

Thực trạng đó không chỉ tạo nên những rắc rối về mặt pháp lý, gây khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng lúng túng không biết phải dựa vào quy định nào của pháp luật để thực thi công vụ.

Dẫn ví dụ về sự thiếu thống nhất giữa các văn bản liên quan đến thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường gọi tắt là ĐTM, mặc dù Luật đầu tư không yêu cầu trong hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư phải có quyết định phê duyệt ĐTM nhưng trong Luật bảo vệ môi trưởng quyết định phê duyệt ĐTM lại là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy trên thực tế ĐTM thường phải thực hiện trước khi có chủ trương đầu tư trong khi thủ tục quyết định phê duyệt ĐTM rất phức tạp và tốn kém nếu chưa nhận được sự chấp thuận chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục này sẽ rủi ro cho nhà đầu tư.

Hơn nữa khi thông tin đầu vào chưa đầy đủ, chưa chính xác việc yêu cầu nhà đầu tư làm ĐTM sẽ rất khó xác định đó có phải là phương án bảo vệ môi trường tốt nhất hay không. Thực tế trong thời gian gần đây cũng đã chứng minh việc làm này là chưa sát với thực tế.

Khu công nghiệp Long Thành, một dự án của Sonadezi

Bên cạnh tình trạng thiếu tương thích giữa luật, hiện còn tồn tại nhiều trường hợp nghị định gần với luật, nghị định chồng chéo với nghị định, nghị định mang tính hồi tố, cụ thể tại Khoản 1, Điều 151 Luật Bảo vệ môi trường quy định, ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 15, Nghị Định 218/2013 của Chính phủ quy định thuế xuất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm chỉ đối với các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ áp dụng với một số hoạt động mà không áp dụng cho các hoạt động qua các môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường, di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cũng tại Điều 151, Luật Bảo vệ môi trường quy định, Nhà nước ưu đãi hỗ trợ việc chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể chi tiết về việc ưu đãi, hỗ trợ đã nêu trong luật.

Một ví dụ khác điển hình cho việc ban hành nghị định mang tính hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp cũng được đại biểu đề cập thẳng thắn tại Quốc hội.

Theo Mục a, Khoản 9, Điều 3, Nghị định 135/2016 của Chính phủ ngày 9/9/2016, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm nhưng đã cho thuê lãi theo hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 1/7/2014.

Ngoài phần tiền thuê đất phải nộp một lần cho Ngân hàng Nhà nước, công ty hạ tầng còn phải nộp khoản tiền bằng tiền phạt chậm nộp, nghĩa là tiền phạt chậm nộp kể từ ngày cho nhà đầu tư thuê lại cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Như vậy, với Nghị định ban hành vào năm 2016, nhưng lại quy định đối với các hợp đồng cam kết với doanh nghiệp đã được ký kết từ trước năm 2014 là không hợp lý. Mặc dù trước đó, Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thì chúng ta cũng không có bất kỳ quy định nào bắt buộc công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải nộp tiền thuê đất một lần cho nhà nước khi cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại theo hình thức thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

"Hệ thống pháp luật chưa ổn định, thiếu thống nhất và không tiên liệu được đã khiến doanh nghiệp bị động trong việc xây dựng chiến lược, hạn chế hiệu quả hoạt động và những sản nghiệp của nhà đầu tư cho dù hôm nay đang thành công, nhưng ngày mai phải làm lại từ đầu, trở về vạch xuất phát và có thể thất bại hoàn toàn vì thay đổi chính sách", bà Hằng phân tích.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cải tiến phương thức xây dựng và hoàn thiện pháp luật hơn nữa, hạn chế số lượng nghị định dưới luật và tiến tới giảm tối đa các thông tư, đồng thời đơn giản hóa hệ thống văn bản pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật.

Thực hiện được những việc trên, theo bà Hằng, sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tác động tích cực đến cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo ra nhiều hơn các doanh nghiệp có đủ sức mạnh cạnh tranh đối trọng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Tin mới lên