Thị trường

Chủ tịch SSI dẫn chuyện cũ ‘bênh khéo' kế hoạch bay thẳng Việt - Mỹ của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

(VNF) - Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, thông tin hãng hàng không Bamboo Airways thực hiện chuyến bay thẳng Việt - Mỹ phải là niềm tự hào của ngành hàng không Việt Nam.

Chủ tịch SSI dẫn chuyện cũ ‘bênh khéo' kế hoạch bay thẳng Việt - Mỹ của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng.

Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways mới đây cho biết hãng hàng không này dự kiến có chuyến bay thẳng Việt - Mỹ đầu tiên vào quý IV/2020 hiện đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, bên cạnh một số nhóm người ủng hộ thì cũng không ít nhóm người khác có quá nhiều người nhảy vào ném đá với những bình luận tiêu cực.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways

Chia sẻ trên trang cá nhân Facebook, Chủ tịch SSI nói: “Thật lạ, khi Chủ tịch FLC tuyên bố sẽ mở tuyến bay thẳng sang Mỹ và sẽ có lãi, thay vì tất cả người Việt Nam nên vui mừng vì có thêm lựa chọn và điều cần làm nhất là mỗi người hãy lựa chọn Bamboo Airways mỗi khi có nhu cầu bay qua Mỹ thì trái lại có quá nhiều người nhảy vào ném đá với những bình luận tiêu cực”.

Chia sẻ của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng trên trang cá nhân Facebook. Ảnh chụp màn hình

“Để có thể bay sang Mỹ mọi hãng hàng không đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hàng không của Mỹ, để có tiền thuê mua máy bay, thuê phi hành đoàn, mua nhiên liệu cũng như trang trải mọi chi phí kinh doanh khác thì hãng hàng không phải có phương án kinh doanh được các tổ chức tài chính chuyên nghiệp chấp nhận và cấp tín dụng. Mỗi người đứng nhìn từ bên ngoài không tiếp cận thông tin đầy đủ thì làm sao đủ cơ sở để phán được”, Chủ tịch SSI cho hay.

Chủ tịch SSI dẫn lại chuyện từ 15 năm trước, khi SSI làm tư vấn cổ phần hoá nhà máy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Thời điểm đó huy động vốn cho các dự án phát điện rất thuận lợi nhưng xin giấy phép đầu tư và đặc biệt là hợp đồng bán điện cho EVN là vô cùng khó, cho dù đất nước vẫn phải nhập khẩu điện và những doanh nghiệp tư nhân trình các phương án với suất đầu tư thấp hơn nhiều mặt bằng đầu tư chung của EVN lúc ấy (khoảng 700 ngàn tới 1 triệu USD/MW so với mặt bằng chung khoảng 1,5 triệu).

“Khi ấy người ta cũng nói nhiều nào là chém gió, nào là không khả thi..., nhưng sau này mọi người đều phải công nhận, thực tế khả thi và hiệu quả hơn cả những gì đề án trình nếu lúc ấy Chính phủ cấp phép và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân triển khai. Thực sự nước ta đã bỏ qua cơ hội huy động vốn xây dựng nhà máy điện trong giai đoạn bùng nổ của TTCK thời kỳ từ năm 2005 đến 2009”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết.

Mặc dù không đầu tư cổ phiếu FLC vì không phù hợp tiêu chí đầu tư nhưng Chủ tịch SSI cho biết ông thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Tập đoàn FLC như chơi golf, ở khách sạn và sắp tới khi Bamboo mở tuyến bay trực tiếp sang Mỹ thì chắc chắn sẽ sử dụng ít nhất 80% các chuyến bay sang Mỹ từ hãng hàng không Bamboo.

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, đối với ông đây là tin vui và là niềm tự hào của ngành hàng không Việt Nam.

Trước đó, như VietnamFinance đã đề cập, phát biểu tại tọa đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" tổ chức chiều 1/8, ông Trịnh Văn Quyết bộc bạch: "Nhiều người nói Bamboo mở đường bay đi Mỹ là không khả thi và chém gió. Nhưng tôi là người nói nhiều nhưng làm nhiều hơn nói và làm gấp nhiều lần nói".

Theo doanh nhân này, 

Bamboo Airways dự tính sử dụng máy bay Boeing 787-9 cho đường bay thẳng Việt – Mỹ. Trong trường hợp hãng chưa nhận được máy bay đặt mua, Bamboo Airways sẽ phải thuê với chi phí 1 triệu USD mỗi tháng, tương đương 23 tỷ đồng.

Nhiên liệu tiêu tốn cho mỗi chuyến bay khứ hồi Việt - Mỹ vào khoảng 175 tấn, tương đương với 61 tỷ đồng/tháng; chi phí kỹ thuật là 700.000 USD, tương đương khoảng 16 tỷ đồng/tháng; chi phí dịch vụ mặt đất khai thác khoảng 1 tỷ đồng/tháng, chi phí khác khoảng 6 tỷ đồng/tháng...

"Tổng cộng chi phí cho một chiếc Boeing 787-9 bay thẳng Việt - Mỹ mỗi tháng rơi vào khoảng 130 tỷ đồng", ông Quyết nhẩm tính.

Về nguồn thu, ông Quyết ước tính mỗi chuyến bay có thể chở theo trung bình 240 khách (một chiếc Boeing 787-9 có tối đa 310 ghế). Nếu hãng bán vé với giá 1.100 USD thì một tháng hãng thu về 116,3 tỷ đồng, tức là hãng lỗ khoảng 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu giá vé tăng thêm 200 USD, tức là 1.300 USD/khách/chuyến khứ hồi Việt - Mỹ thì chắc chắn sẽ có lãi, với con số rơi vào khoảng 8,4 tỷ đồng.

Xem thêm: Ông Trịnh Văn Quyết 'tiết lộ' thời điểm Bamboo Airways thực hiện chuyến bay thẳng Việt - Mỹ đầu tiên

Tin mới lên