Nhân vật

Chủ tịch Sunhouse: Rất khó để doanh nghiệp ngoại mở thêm nhà máy, Việt Nam chỉ nên đón đơn hàng

(VNF) - “Khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse chia sẻ.

Chủ tịch Sunhouse: Rất khó để doanh nghiệp ngoại mở thêm nhà máy, Việt Nam chỉ nên đón đơn hàng

Ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse

Trong kinh nghiệm của một người làm sản xuất, ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ tại tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" rằng cơ hội đầu tư FDI vào Việt Nam là sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Phú nói “làn sóng đó không giống như mọi người đã tưởng”.

Cần thận trọng trong cơ hội đón sóng FDI hậu Covid-19, ông Phú nhấn mạnh và cho biết Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Những mặt trái của công xưởng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, vẫn đang khiến người Việt phải trả giá.

Chính vì vậy, shark Phú hi vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu.

Lấy ví dụ ngay chính tại Sunhouse của mình, ông Phú chia sẻ năm 2003, công ty nhận vốn đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse - từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt Nam.

“Việc liên doanh, liên kết là để sau này mình làm chủ chứ không phải người làm thuê mới là quan trọng”, ông Phú nói.

Shark Phú cho biết thông thường ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, việc xuất nhập khẩu chỉ chiếm 10%-20% GDP, 80% GDP còn lại phải tự chủ được thì nền kinh tế đó mới được coi là tự cường. Còn tại Việt Nam, chỉ nhập vào rồi xuất ra khiến chúng ta chỉ kiếm được một chút về nhân công.

“Sau này, con cháu chúng ta sẽ phải xử lý toàn bộ môi trường, những tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này. Cái chúng ta nhận được bây giờ chả đáng là bao", ông Phú bày tỏ.

Chính từ bài học của quá khứ, shark Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Theo ông, có thể giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở các thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.

Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông chủ Sunhouse cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó.

“Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam”, ông Phú cho hay.

Nêu ví dụ về nhà máy sản xuất đèn LED mới của Sunhouse, chủ tịch Sunhouse chia sẻ nếu chỉ có bản thân mình thì không thể hoàn thiện cả một nhà máy và nắm chắc công nghệ sản xuất chỉ trong 3 tháng.

Ông Phú cho rằng thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực mới chính là rào cản. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng nhà xưởng có thể khiến các doanh nghiệp Việt thu hút được các nhà sản xuất nước ngoài.

“Họ sang nhìn cơ sở hạ tầng thấy ưng và sẵn sàng chuyển 1-2 dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế hoặc tránh dịch. Khi đó, họ sẽ cử chuyên gia sang ăn nằm với mình để đẩy nhanh tốc độ”, ông Phú cho biết.

Shark Phú cũng lưu ý ngay cả khi các doanh nghiệp chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần có ý đồ, cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ, nếu không, Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế.

“Học hỏi công nghệ, kiểu dáng là bước quan trọng để doanh nghiệp Việt tự chủ sản xuất các mặt hàng này”, ông Phú gợi ý.

“Làn sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ Covid-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Ở gần Trung Quốc cho Việt Nam lợi thế và người Việt cũng rất linh hoạt”, ông Phú tiếp túc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chủ tịch Sunhouse cũng chỉ ra những điểm yếu của người Việt là kỷ luật trong sản xuất. Ngoài ra, khi các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, họ thường không muốn dây dưa về mặt pháp lý nên họ mong đợi sự hoàn thiện từ các đối tác Việt.

Do đó, ông Phú mong muốn các nhà quản lý, nhà chức trách tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp Việt vượt qua những rào cản này để có thể đón được làn sóng sản xuất và trở thành nhà sản xuất cho thế giới, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài.

Tin mới lên