Tài chính

Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong: 'Tập trung nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế'

(VNF) - Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP. HCM là việc cần thiết cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong: 'Tập trung nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế'

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi tọa đàm.

Lãnh đạo chính quyền TP. HCM mới đây đã cùng các sở, ngành, chuyên gia kinh tế, hiệp hội và một số doanh nghiệp tiêu biểu tọa đàm về “khôi phục và phát triển kinh tế TP. HCM năm 2020”.

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Trong quý I/2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của thành phố, chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,64%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1986 đến nay.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, thành phố luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài, sự tăng trưởng chậm lại này sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, việc tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP. HCM là việc cần thiết cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ số tăng trưởng của TP. HCM tính từ Đổi mới đến nay "chưa bao giờ suy giảm như thế". Để khôi phục kinh tế TP. HCM, Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch cho rằng thành phố nên sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trên địa bàn trong điều kiện “bình thường mới”; triển khai có hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ đang thực thi đồng thời bổ sung thêm các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công.

Bên cạnh đó, TP. HCM cần xây dựng một chương trình phục hồi tăng trương kinh tế “hậu Covid-19” theo hai giai đoạn để vừa khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ” như tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.

Đề cập đến việc tái hoạt động trở lại của doanh nghiệp, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng (Đại học Kinh tế TP. HCM) nhận định mức độ thiệt hại về doanh thu, thất thu ngân sách, tập trung ở những khu vực thương mại dịch vụ, du lịch, nhóm ngành công nghiệp có khả năng chiếm tỉ trọng lớn. Vì vậy, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng đề xuất giải pháp cần tái cấu trúc lại định hướng về thị trường, đặc biệt thị trường trong nước; tập trung khôi phục khai thác những sản phẩm tại thị trường hiện có có giá trị nội địa, thay đổi về phương thức kinh doanh…

 Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đối với một số nước là đối tác chủ yếu của Việt Nam trên 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch thì việc theo dõi, dự báo khi nào họ hết dịch để có sự chủ động trong hợp tác phát triển kinh tế là rất quan trọng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau (từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020).

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu lên một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.

Đồng thời, ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp bằng sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Cùng với đó, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Mặt khác, thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp và hình thành cơ sở số của các ngành kinh tế, hạ tầng TP. HCM như thông tin về du lịch,công nghệ thông tin, ngành cơ khí…

Từ đó, doanh nghiệp khai thác và lập kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số của từng doanh nghiệp, từng ngành. Trên cơ sở đó, thực hiện quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư công của TP. HCM, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

Hiện TP. HCM đang đầu tư khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2 và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu thực hiện biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt là việc phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TP. HCM, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TP. HCM, phát triển hạ tầng TP. HCM, phát triển nhân lực và văn hóa TP. HCM) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP. HCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.

Tin mới lên