Tài chính

Chủ tịch UBCKNN: Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc

(VNF) - Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết sau Tết Nguyên đán sẽ tiến hành test (kiểm tra) thử nghiệm hệ thống giao dịch KRX với các công ty chứng khoán, đồng thời kỳ vọng hệ thống giao dịch mới này sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2021.

Chủ tịch UBCKNN: Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc

Chủ tịch UBCKNN: Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc

Sáng 19/1/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức gặp mặt cơ quan thông tấn báo chí đầu năm 2021 do Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chủ trì.

Sau Tết Nguyên đán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc, kỳ vọng vận hành chính thức cuối năm 2021

Chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết ủy ban tin tưởng rằng hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc sẽ đưa vào vận hành chính thức vào cuối năm 2021.

Ông Dũng tiết lộ sau 5, 6 tháng đàm phán thì phía Hàn Quốc đã đồng ý cử chuyên gia sang Việt Nam. Các chuyên gia đã có mặt tại TP. HCM sau chuyến bay cứu trợ cuối cùng của Việt Nam vừa qua.

"Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tiến hành test (kiểm tra) thử nghiệm hệ thống mới với các công ty chứng khoán", người đứng đầu ngành chứng khoán nói.

Tuy vậy, vẫn còn những rủi ro liên quan đến tiến độ vận hành hệ thống mới. Chẳng hạn, chuyên gia Hàn Quốc chỉ sang Việt Nam theo đợt, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn nữa có thể ảnh hưởng đến công tác di chuyển. Cùng với đó, trong quá trình triển khai thử nghiệm, nếu xảy ra lỗi thì chưa thể ước lượng được mất bao nhiêu thời gian để khắc phục và chỉnh sửa lỗi.

"Chưa thể đảm bảo đúng tiến độ 100% nhưng chúng tôi đã dự phòng cho các khả năng bất lợi như diễn biến dịch phức tạp hay quá trình thử nghiệm phát sinh lỗi", Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho hay.

Liên quan đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, ông Dũng cho biết hiện nay chưa xác định thời điểm cụ thể đưa vào vận hành cơ quan nay. Quyết định 37 về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/2/2021 nhưng theo quy định trong Luật Chứng khoán sửa đổi, trong vòng 2 năm kể từ ngày thành lập, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam phải được đưa vào vận hành.

Ông Dũng thông tin hiện nay Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chưa xác định được trụ sở, bên cạnh đó, để vận hành thì rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện như bộ máy tổ chức, cơ cấu con người, cơ sở vật chất, hệ thống quy chế, cơ chế hoạt động...

Tuy nhiên, tinh thần của Bộ Tài chính và UBCKNN là đưa vào vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam càng sớm càng tốt. "Cá nhân tôi tin rằng chậm nhất trong năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào vận hành", ông Dũng nhấn mạnh.

Việc đưa vào vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2021, theo ông Trần Văn Dũng, cũng khớp với thời gian dự kiến vận hành chính thức hệ thống giao dịch KRX. Sau đó, UBCKNN sẽ tiến hành tái cơ cấu theo hướng chuyển quyền vận hành thị trường cổ phiếu cho HoSE và chuyển quyền vận hành thị trường trái phiếu cho HNX.

Nói về câu chuyện nâng hạng, Chủ tịch UBCKNN gọi kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay là câu chuyện "thần kỳ", bởi mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu nâng hạng nhưng quãng đường đến đích vẫn còn xa. Đặc biệt, hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc dự kiến vận hành vào cuối năm 2021 nên rất khó để nâng hạng ngay trong năm nay.

Nhìn lại năm 2020: Thị trường chứng khoán phục hồi ngoạn mục, thanh khoản tăng cao

Nhìn lại năm 2020, UBCKNN nhấn mạnh mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, cơ quan quản lý nhà nước triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), TTCK Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục, được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới.

Thống kê cho thấy chốt năm, chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.

Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã phục hồi mạnh. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối quý I và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP).

Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Tính riêng trong quý IV, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.593 tỷ đồng/phiên, tăng 2,5 lần so với quý I/2020 và so với cuối năm 2019. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trên thị trường Việt Nam đạt gần 394 nghìn tài khoản, tăng 109% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

Trên thị trường phái sinh, giao dịch của hợp đồng tương lai trên chỉ số sôi động, thanh khoản tăng gần 80% so với năm trước. Trong năm vừa qua, TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019.

Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019. Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019, trong đó huy động qua phát hành cổ phiếu giảm, qua cổ phần hóa tăng nhẹ, riêng huy động trái phiếu Chính phủ tăng kỷ lục gần 350.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao (gần 14 năm) và lãi suất phát hành bình quân đạt thấp hơn 0,78% -1,45% so với năm 2019 (2,83%).

Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận một năm phát hành kỷ lục (39.895 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng số lượng công ty báo cáo có lãi vẫn chiếm 84% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo trong quý II/2020.

Trong năm 2020, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tổ chức xây dựng kế hoạch soạn thảo và tích cực triển khai xây dựng 3 Nghị định, 11 Thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán. Đến nay, toàn bộ 3 Nghị định và 11 Thông tư đã được ký ban hành. Công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được thực hiện theo chiều hướng tích cực và đúng lộ trình.

Trong năm 2020, ủy ban đã đưa ra khỏi diện kiểm soát đối với 2 công ty chứng khoán (CTCK); có quyết định về việc chấm dứt hoạt động đối với 1 CTCK; đưa vào diện kiểm soát đối với 1 CTCK; thu hồi giấy phép hoạt động 2 công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và tạm ngừng hoạt động 1 CTQLQ.

Năm 2020, UBCKNN cũng đã nâng cấp hệ thống công bố thông tin công ty đại chúng IDS Pro và chính thức vận hành từ tháng 12/2020. 

UBCKNN đã ra 380 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng; có 2 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử.

Về nâng hạng thị trường chứng khoán, UBCKNN đã tận dụng Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) của Ngân hàng thế giới về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn J-CAP.  Kết quả là FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường Mới nổi.

Năm 2021, lãnh đạo UBCKNN cho biết ngành chứng khoán sẽ tập trung đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn. Cùng với đó, tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn.

Phía ủy ban cũng cho hay sẽ hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới; đẩy nhanh việc cơ cấu lại TTCK, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Chính phủ.

Ngoài ra, UBCKNN nhấn mạnh sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin mới lên