Tài chính quốc tế

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc lên "ghế nóng"

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc Xiao Gang đã bị chỉ trích nặng nề tại cuộc họp khẩn cấp ngày 7/1 vì cơ chế tự động ngắt giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc do ông khởi xướng đã gây tổn thất lớn, theo tin từ tờ The Wall Street Journal.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc lên "ghế nóng"

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc - Xiao Gang.

Nguồn tin từ Wall Street Journals cho biết, tại cuộc họp nội bộ khẩn cấp của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc trong ngày 7/1, nhà điều hành chứng khoán hàng đầu của nước này là Xiao Gang đã phải ngồi trên "ghế nóng".

Trong cuộc họp, ông Xiao đã nhận nhiều chỉ trích vì cơ chế mới mà ông đã đề xuất và cương quyết thực hiện. Cơ chế này, có tên tiếng Anh là "circuit-breaker" (cầu dao điện), được thiết kế nhằm ngăn ngừa giá cổ phiếu rơi tự do và bảo vệ các nhà đầu tư.

Trớ trêu thay, điều ngược lại đã xảy ra. Cơ chế tự ngắt giao dịch đã gây ra một đợt bán tháo chứng khoán tồi tệ xảy ra trong tuần qua. Phiên giao dịch chỉ kéo dài 29 phút trong ngày 7/1 là ngày giao dịch ngắn nhất trong vòng 25 năm qua của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ủy ban Chứng khoan Trung Quốc buộc phải tạm dựng việc áp dụng cơ chế này dù chỉ mới hoạt động được bốn ngày sau khi ra mắt.

Thất bại này một lần nữa gây mất uy tín cho Chủ tịch Xiao Gang, người vốn đã bị các nhà đầu tư và các quan chức Trung Quốc chỉ trích vì những bước đi chính sách sai lầm khiến thị trường chứng khoán nước này rơi vào khủng hoảng trong mùa hè năm 2015.

"Xiao đang chịu áp lực rất lớn", một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cho biết. "Không giống như đợt khủng hoảng mùa hè năm ngoái khi Xiao có thể đã phải đối mặt với những chỉ trích không công bằng trước làn sóng bán tháo cổ phiếu, thì mức giảm tồi tệ những ngày vừa qua là hệ quả trực tiếp của hệ thống mới mà Xiao là người cương quyết đưa vào hoạt động".

Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc là cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc và Chủ tịch Xiao có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp với Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, Xiao cũng có một số quyền tự do nhất định trong việc xác định phương hướng thúc đẩy phát triển thị trường vốn. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn dựa vào thị trường chứng khoán như một công cụ để huy động vốn cho các công ty nhà nước đang phải gánh những khoản nợ sau khi thực hiện hàng hoạt các kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ, The Wall Street Journal cho biết.

Đầu năm 2015, ông Xiao cùng nhiều quan chức khác đã ca ngợi đà tăng chứng khoán từ cuối năm 2014 như một minh chứng cho các chính sách hiệu quả của Bắc Kinh giúp nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư vay mượn tiền để mua cổ phiếu bà bắt đầu đợt bán ra vào giữa tháng 6/2015, khiến thị trường sụt giảm mạnh, Chủ tịch Xiao lại bị chỉ trích vì không kiểm soát hiệu quả các khoản vay. 

"Xiao Gang có thể đã thực hiện nhiều sai lầm, nhưng vị Chủ tịch này không đáng phải chịu sự chỉ trích nặng nề nhất. Những người đã chỉ đạo ông ấy để đẩy thị trường đi lên trong năm 2014 và giải cứu nó trong năm 2015 là những người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất", Scott Kennedy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quốc tế và chiến lược trụ sở tại Washington cho biết.

Tuy nhiên, với sự cố lớn lần này, nhiều người cho rằng Xiao phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với đợt bán tháo nặng nề khiến 1,1 nghìn tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong vòng chưa đầy một tuần qua.

"Hệ thống ngắt mạch tự động do Xiao đề xuất đã không phát huy hiệu quả", Peng Junming, một cựu quan chức tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận định. "Đó là một sai lầm chính sách lớn", ông nói.

Hệ thống tự ngắt giao dịch chứng khoán (circuit-breaker system) này đã có khoảng thời gian "thai nghén" ba năm để đi vào hoạt động. Sau khi nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc năm 2013, ông Xiao bị chấn động bởi lỗi giao dịch được thực hiện bởi một công ty môi giới chứng khoán ở Thượng Hải khiến thị trường của Trung Quốc biến động mạnh. 

Kể từ đó, ông tìm cách thiết lập một cơ chế tự ngắt giao dịch tương tự như ở Mỹ. Xiao đã nhiều lần đề cập đến sự cần thiết cho một cơ chế như vậy trước công chúng và giới truyền thông gọi ông là "Mr. Circuit Breaker" ("Ông Cầu Dao").

Cú lao dốc của thị trường chứng khoán trong mùa hè năm 2015 càng thôi thúc ông nhanh chóng đưa công cụ khống chế các đợt bán tháo cổ phiếu. Tháng 9/2015, ông chỉ đạo các quan chức trong Ủy Ban lập kế hoạch đưa hệ thống tự ngắt giao dịch này vào hoạt động.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và giới đầu tư cho rằng đề xuất ông Xiao là không thực tế. Một vấn đề là ngưỡng ngưng giao dịch quá thấp, dừng giao dịch trong 15 phút khi chỉ số CSI 300 giảm 5% và đóng cửa giao dịch ngày hôm đó chỉ số này giảm 7%. Tại Mỹ, thị trường chứng khoán ít nhiều biến động hơn thị trường Trung Quốc, thị trường sẽ đóng cửa giao dịch là khi chỉ số S&P 500 giảm 20%. 

Thậm chí, ngay cả các quan chức ở các Sở Giao dịch chứng khoán của Trung Quốc cũng ngờ vực về kế hoạch này. Một báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến nộp cho Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc vào cuối năm ngoái cũng cho rằng ngưỡng tự động ngắt giao dịch như trên quá thấp ở một thị trường chứng khoán có đến 99 triệu nhà đầu tư cá nhân như Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Xiao vẫn nhất quyết giữ quan điểm và khẳng định cơ chế này sẽ có tác dụng khi thị trường gặp khủng hoảng và chỉ sau chưa đầy một tuần, cơ chế này đã gây ra hai vụ ngưng giao dịch, khiến thị trường phải đóng cửa sớm hai lần trong vòng một tuần. Các nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng nề.

Trong bản thông báo tạm dừng hệ thống mới này vào cuối ngày thứ Năm 7/1, cơ quan quản lý chứng khoán thừa nhận rằng cơ chế này đã không diễn ra như kế hoạch và đã làm trầm trọng tình hình thị trường chứng khoán và cam kết sẽ rút kinh nghiệm.

Tin mới lên