Bất động sản

Chủ tịch VCCI 'khuyên' tỷ phú Trịnh Văn Quyết thực hiện tiêu chí ‘4 không’

(VNF) - “FLC là một thương hiệu lớn với tiêu chí kinh doanh rõ ràng, tạo những bước đột phá trên thị trường bất động sản (BĐS), hàng không, cùng nhiều lĩnh vực khác. Nhưng tôi mong ông Trịnh Văn Quyết trải lòng để nếu có thể cùng "bắt tay" với các thương hiệu khác, tiếp tục đưa ra những sản phẩm hữu ích ra thị trường, thúc đẩy nền sản xuất và kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Chủ tịch VCCI 'khuyên' tỷ phú Trịnh Văn Quyết thực hiện tiêu chí ‘4 không’

FLC “không xin” dự án

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định: “đối với bất động sản, tôi có "5 không" khắc cốt ghi tâm: Không xin dự án, không mua lại dự án, không làm chung dự án, không làm nhỏ và không làm chậm.

“Tôi xin khẳng định, FLC không “không xin" dự án nào, tất cả dự án BĐS đều do lãnh đạo tỉnh trực tiếp mời. Chúng tôi không bôi trơn và không có bất cứ điều gì khuất tất cả”, ông Quyết nói.

Ông Quyết ví dụ: Tại tỉnh Thanh Hoá, lãnh đạo tỉnh tìm tới FLC từ năm 2014. Và chúng tôi đã quyết định đầu tư lớn, góp phần thay đổi bộ mặt và tư duy làm du lịch của người dân địa phương, thay đổi tư duy của cả nước nghĩ về Thanh Hoá.

“Trước đây, người ta nghĩ về Sầm Sơn là nghĩ về "chặt chém", giờ thì hết rồi. Ai đến với Sầm Sơn bây giờ cũng thấy khác, sau khi chúng tôi đã bỏ ra cả nghìn tỷ để đầu tư và cải tạo hạ tầng du lịch", ông Quyết nói.

FLC Hạ Long là điểm nhấn về du lịch và nghỉ dưỡng đối với du khách trong nước và quốc tế

Hoặc như tại Quảng Ninh, trước đây, khi chúng tôi chưa đầu tư, khu vực này là bãi rác và tập trung nhiều tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh mời FLC vào đầu tư, nơi đây trở thành một trong những khu vực du lịch, nghỉ dưỡng đẹp và đẳng cấp bậc nhất tại Hạ Long, xứng đáng hơn với vai trò là kỳ quan thế giới.

“Tôi xin chia sẻ thật lòng, cũng có nhiều lãnh đạo các tỉnh thành đặt vấn đề mời FLC đầu tư. Tiêu chí của chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn, tuy nhiên, FLC sẽ ưu tiên địa phương đó phải có khách du lịch đến hàng năm, tỉnh nghèo cũng được. Thứ hai là phải có biển, sau đó mới là vị trí địa lý”

 "Khi thực hiện dự án, chúng tôi cam kết làm lớn và không làm chậm mới hấp dẫn. Chỉ sau mấy tháng thi công là nhìn thấy ngay sản phẩm, thấy ngay phần thô", ông Trịnh Văn Quyết tự hào chia sẻ.

Nên có những cái “bắt tay” của các ông lớn

Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của Chủ tịch Tập đoàn FLC, chính vì từ "không xin dự án thì sẽ không làm chung.

"Làm chung rất phức tạp, mất thời gian cho việc bàn bạc, hợp tác. Chúng tôi cũng không mua lại. Khi mua lại, phải bàn bạc với doanh nghiệp đang có dự án thì dẫn tới hệ luỵ, tỉnh nhận mình vào nhưng cho người này, người kia giữ chỗ, rồi mình phải mua lại. Không có đâu. Chúng tôi chỉ làm việc trực tiếp với tỉnh. Ngay cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng không thể ép tôi làm chung với người thân quen", ông Quyết nói.

Ghi nhận mục tiêu “5 không” của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã gặt hái nhiều thành công, tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyên ông Quyết không nên quá cứng nhắc, mà nên xoá quy tắc “không làm chung” để nghĩ đến văn hoá “4 không”

Ông Lộc cho rằng: trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tới đây, sẽ có nhiều dòng vốn đổ vào Việt Nam vì thế, các doanh nghiệp (DN) lớn sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt và đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí có thể bị thôn tính.

“Vì thế, bên cạnh yếu tố cạnh tranh thì các DN lớn cần bổ sung năng lực cho nhau. Mỗi tỉnh thành, mỗi doanh nghiệp sẽ có những điểm mạnh, những lợi thế và những lợi thế cần được liên kết với nhau để mang lại sự bứt phá mạnh mẽ hơn, đưa ra những sản phẩm tốt hơn, phục vụ phát triển kinh tế”, ông Lộc nói.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, sinh năm 1975, tại Vĩnh Phúc. Ông khởi nghiệp từ lĩnh vực luật sư, tư vấn đầu tư, sau đó là kinh doanh thương mại và bất động sản.

Vào tháng 11/2016, ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành người giàu số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ giá cổ phiếu ROS tăng trần. Trước đó, nhờ cổ phiếu ROS và FLC, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán vượt xa ngưỡng tỷ USD.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, đến tháng 11/2018, giá trị chứng khoán của ROS sụt giảm mạnh đã khiến ông Trịnh Văn Quyết rớt xuống vị trí thứ 5 trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Có lẽ, điều này đúng mục tiêu của ông Trịnh Văn Quyết vài năm trước đây từng nói: “Khoảng 3 năm, tôi sẽ tính tới việc đi thận trọng hơn nữa. Ngày xưa ở quê, có đường đất thịt, đất đỏ, khi đi xuống dốc, phải bấm ngón chân, co cụm lại để hãm phanh. Mai mốt, khi xuống đèo Hải Vân, tôi sẽ đi như thế"

 

Tin mới lên