Tiêu điểm

Chủ tịch VCCI: 'Thể chế nào doanh nhân đó'

(VNF) - Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thể chế phải góp phần giải phóng thúc đẩy doanh nghiệp doanh nhân, đồng thời doanh nhân, doanh nghiệp là động lực góp phần thay đổi thể chế.

Chủ tịch VCCI: 'Thể chế nào doanh nhân đó'

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" (Việt Nam 2035) do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 2/2016 vừa qua tại Hà Nội đưa ra mục tiêu xây dựng đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn vào năm 2035.

Báo cáo đã xác định chương trình cải cách sắp tới của Việt Nam gồm: hiện đại hoá nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao…

Phát biểu tại Hội thảo "Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và nhu cầu hiện đại hóa thể chế" ngày 30/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong các định hướng chuyển đổi, cải cách mà báo cáo "Việt Nam 2035" đưa ra thì doanh nghiệp, doanh nhân đều đóng vai trò quyết định.

Đặc biệt, theo ông Vũ Tiến Lộc, thể chế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển. "Thể chế nào, doanh nhân đó, thể chế nào doanh nghiệp đó. Thể chế phải góp phần giải phóng thúc đẩy doanh nghiệp doanh nhân, đồng thời doanh nhân, doanh nghiệp là động lực góp phần thay đổi thể chế", ông Lộc khẳng định.

Báo cáo "Việt Nam 2035" được nghiên cứu và công bố trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng. Theo ông Lộc, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 đã có những định hướng quan trọng, phù hợp với định hướng cốt lõi của báo cáo này.

"Lần đầu tiên, văn kiện Đại hội Đảng khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân phải trở thành nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Văn kiện cũng khẳng định, phát triển doanh nghiệp tư nhân là động lực cạnh tranh, đồng thời, đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành định hướng xã hôi chủ nghĩa nhưng theo tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường hiện đại phổ biến trên thế giới", ông Lộc cho rằng đây là 3 điểm mới quan trọng trong phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và xây dựng thể chế.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư và Nghị quyết 35 về phát triển hỗ trợ doanh nghiệp. "Lần đầu tiên có nghị quyết phát triển doanh nghiệp với tầm nhìn 5 năm, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2017, môi trường kinh doanh phải đạt mức tiên tiến hàng đầu trung bình của 3 nước dẫn đầu Asean. Nghị quyết 19 là nghị quyết đưa môi trường kinh doanh Việt Nam nâng cấp đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Trong khi đó, Nghi quyết 35 đáp ứng nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nói.

Chính phủ mới ra mắt hơn một tháng, nhưng theo ông Lộc, Chính phủ đã rất quyết kiện và quan trọng là đã "không bàn lùi" trong nỗ lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. "Có lẽ Chính phủ đang theo hướng xây dựng Chính phủ tận tâm, chuyên nghiệp. Nhưng để hướng tới chuyên nghiệp chắc chắn phải có thời gian", theo Chủ tịch VCCI.

Tin mới lên