Ngân hàng

Chủ tịch VIB: ‘Niêm yết HoSE giúp thị trường sớm nhận ra VIB giá trị hơn nhiều thị giá hiện tại’

(VNF) – Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ nhấn mạnh, việc niêm yết VIB lên sàn HoSE sẽ giúp cho nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB; thị trường sẽ sớm nhận ra giá trị thật và tiềm năng của cổ phiếu VIB cao hơn thị giá 40.000 đồng hiện tại rất nhiều.

Chủ tịch VIB: ‘Niêm yết HoSE giúp thị trường sớm nhận ra VIB giá trị hơn nhiều thị giá hiện tại’

Ông Đặng Khắc Vỹ khẳng định giá trị thật của cổ phiếu VIB cao hơn nhiều thị giá hiện tại

Sáng 29/3, tại khách sạn Dawoo Hà Nội đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

2017 là năm chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ nhất của VIB khi lợi nhuận trước thuế đạt đến 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước và vượt 87% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 123,2 nghìn tỷ đồng. Tăng tưởng tín dụng tăng 26%. Nợ xấu duy trì dưới 3%, ở mức 2,49% trong bối cảnh mua lại 1.094 tỷ đồng trái phiếu tại VAMC.

Tại đại hội, HĐQT VIB đã đề xuất phương án chia cổ tức cho năm 2017 là 5% mệnh giá cổ phiếu bằng tiền.

Kế hoạch năm 2018, VIB đặt mua tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 2.005 tỷ đồng. Về dư nợ cho vay, VIB đưa ra 2 kịch bản dựa theo tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu của Ngân hàng nhà nước, lần lượt ở mức 105.220 tỷ đồng và 95.960 tỷ đồng. Tổng tài sản ước đạt 150.231 tỷ đồng.

Hai vấn đề đáng chú ý nhất trong 2018 đã được Hội đồng Quản trị đưa ra Đại hội đó là phương án tăng vốn và kế hoạch niêm yết lên Sàn Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE)

Về kế hoạch tăng vốn, Hội đồng Quản trị VIB đưa ra mức tăng thêm tối đa là 2.455 tỷ đồng vốn điều lệ, tương ứng hơn 245 triệu cổ phiếu.

Dự kiến, đợt 1, VIB chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn điều lệ, tương đương hơn 56 triệu cổ phần và sẽ hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Đợt 2, VIB chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ,quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn cổ phần, với mức tối đa hơn 245 triệu cổ phần. Chậm nhất 12 tháng từ ngày ĐHĐCĐ phê duyệt, Hội đồng Quản trị sẽ hoàn thành kế hoạch này.

Chia sẻ về kế hoạch niêm yết HoSE, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết về lộ trình, đầu tiên, VIB sẽ cố gắng tìm đối tác bán cổ phiếu quỹ, chia cổ phiếu thưởng càng sớm càng tốt để rộng đường niêm yết lên sàn HoSE. Ông Vỹ nhấn mạnh, việc niêm yết lên HoSE sẽ giúp cho nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB; thị trường sẽ sớm nhận ra giá trị thật và tiềm năng của cổ phiếu VIB cao hơn thị giá 40.000 đồng hiện tại rất nhiều.

Một câu hỏi khá đáng chú ý của cổ đông là trong xu hướng tham gia của nhiều ngân hàng vào mảnh đất màu mỡ Tài chính Tiêu dùng, liệu VIB có tham vọng gì không và có kế hoạch mua lại hoặc hình thành một công ty Tài chính tiêu dùng hay không?.

Ông Vỹ cho hay, VIB muốn cân bằng về tăng trưởng và rủi ro, nhìn xa hơn vào tiềm năng dài hạn và sẽ bình thản trước những xu thế có tính chất rủi ro, ngắn hạn của những ngân hàng khác. Hiện tại, khi mới hoàn thành xử lý nợ xấu và bắt đầu tăng trưởng nhanh, VIB có rất nhiều dư địa tăng trưởng bền vững và chưa cần có kế hoạch gì ở một mảnh đất khó nhằn hơn như Tài chính tiêu dùng.

Lãnh đạo VIB khẳng định ngân hàng có rất nhiều dư địa tăng trưởng bền vững và chưa cần có kế hoạch gì ở mảnh đất khó nhằn hơn như Tài chính tiêu dùng

Về mảng Ngân hàng điện tử, VIB đặt nền tảng mảng này trở thành một mục tiêu hàng đầu. VIB hiện tại có ứng dụng điện thoại MyVIB kết hợp cùng CBA, tuy nhiên chưa được quảng bá rộng rãi dù được đánh giá là một sản phẩm xuất sắc. Sắp tới, MyVIB sẽ được quảng bá ra công chúng và trở thành một bước đi mạnh mẽ của VIB trong định hướng này.

Đối với ảnh hưởng của việc mua lại mảng bán lẻ của CBA, lãnh đạo VIB cho biết, giá trị sổ sách của CBA chỉ hơn 1.000 tỷ, không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả hoạt động của VIB. Trong khi đó, CBA là ngân hàng nước ngoài có cách tiếp cận khách hàng, quy trình làm việc, quản trị nội bộ rất hiệu quả và đáng học hỏi. Thương vụ sáp nhập này sẽ giúp cho VIB trở nên hoàn thiện hơn trong các định hướng hoạt động của mình.

Về kế hoạch 2.005 tỷ đồng lợi nhuận, VIB ước tính mức trích lập dự phòng là 420 tỷ đồng.

Đối với thắc mắc về chi phí hoạt động trên tổng thu nhập vào quý 4/2017 giảm xuống chỉ còn 48%, so với 60% của các kỳ trước, ông Hoàng Linh, Giám đốc Tài chính VIB cho biết, doanh thu quý 4 tăng đến từ điều kiện kinh tế thuận lợi và các thu nhập lãi từ phí của các khách hàng tổ chức, trong khi chi phí vẫn được duy trì quản trị ổn định. Chỉ số này VIB cũng đang cải thiện hằng năm và ước tính giảm xuống quanh mức 51% trong năm 2018.

Tin mới lên