Bất động sản

Chủ tịch VNR: Đường sắt Việt Nam đang như 'thân thể già nua'

(VNF) - Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hiện chi phí duy tu bảo dưỡng đường sắt từ vốn ngân sách chỉ đáp ứng 30-40%. Trong 1.000 hạng mục trình lên thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt đang như “thân thể già nua”.

Chủ tịch VNR: Đường sắt Việt Nam đang như 'thân thể già nua'

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Bàn luận tại chương trình tọa đàm "Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp” được tổ chức chiều 25/9, ông Vũ Anh Minh cho rằng hiện nay tồn tại hai hình thức, một là hiệu suất đầu tư, đầu tư trong kết cấu rất ít, duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ vốn ngân sách chỉ đáp ứng 30-40%.

"Cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt đang như 'thân thể già nua'. Kể cả về khoa học kỹ thuật lạc hậu, lẫn tài sản hữu hình hiện hữu", ông Minh nói.

Thứ hai, theo ông Minh, ngoài nguồn lực ra còn có cơ chế chính sách. Đối với phương thức vận tải khác, ví dụ như hàng không đường cất hạ cánh của Nhà nước, còn nhà ga sân đỗ của quốc phòng. Đối với hàng hải, luồng tàu, đèn biển của nhà nước, cảng biển dịch vụ của doanh nghiệp. Đối với đường bộ, đường của nhà nước, bến tàu, bến xe, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhưng với đường sắt, cả kết cấu hạ tầng, nhà ga kho bãi đều của Nhà nước. Điều đó rõ ràng tồn tại 2 cơ chế.

"Luật Đường sắt sửa đổi đã cho phép kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp cho thuê tại các khu ga nhưng cho ai kinh doanh, có thể kinh doanh được không nó phụ thuộc vào quyền kinh doanh. Tổng Công ty Đường sắt được giao toàn bộ quản lý khai thác tài sản này nhưng lại không phải vốn của đường sắt, tài sản của đường sắt quản lý cho nhà nước", Chủ tịch VNR cho biết.

Nói về thực trạng của ngành đường sắt hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hệ thống đường sắt của Việt Nam đã hình thành hơn một thế kỷ, tuy nhiên mạng lưới đường sắt vẫn như cũ, không xây dựng được thêm được các tuyến mới kết nối các vùng miền khác, thậm chí còn dỡ đi một số tuyến.

Theo ông Đông, nguyên nhân khiến đường sắt dường như bị "bỏ quên" đầu tiên là về nhận thức và hành động chưa được đồng nhất. Chúng ta cho rằng vận tải đường sắt rất quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên đầu tư xây dựng tuyến đường mới hay thậm chí là đầu tư để duy trì nó vẫn rất hạn chế.

Việc chưa hình thành những trung tâm logistics lớn, khổ đường sắt kiểu cũ khiến chi phí vận chuyển lớn. Bởi trong khi vận tải hàng hóa hiện đại giờ theo container nhưng đường sắt vẫn chưa có đầu kéo, đường ray vận tải cả container hàng hóa mà vẫn sử dụng toa hàng cũ, đến khi sang quốc gia khác thì lại mất công sức, chi phí sang hàng.

"Bên cạnh đó, mô hình quản lý của lĩnh vực đường sắt thay đổi quá nhiều, thời trước là Liên hiệp Tổng cục đường sắt rồi đến Tổng cục nay là Tổng Công ty Đường sắt, trước là trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, rồi đến Bộ GTVT và nay là về Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp. Mô hình thay đổi, các doanh nghiệp cũng có xáo trộn nhất định", ông Đông phân tích.

Lý giải về việc tại sao không huy động được đầu tư từ khu vực tư nhân, xã hội hóa đường sắt, Thứ trưởng Đông cho biết, trên thế giới cũng chỉ xã hội hóa được mảng vận tải, còn hạ tầng Nhà nước phải đầu tư. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố liên quan đến đầu tư đường sắt, hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn chưa quy định được cho điều đó.

"Hầu như hạ tầng đường sắt quốc gia phải là nhà nước đầu tư nhưng lại có cơ chế cho khai thác theo hướng theo quỹ đạo thị trường, là giao cho doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân để khai thác trên cơ chế thuê, nhượng quyền để cho khai thác. Như vậy sẽ giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả hơn so với việc thành lập tổ chức để khai thác. Ở Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta chưa có hành lang pháp lý đủ đồng bộ, bên cạnh luật chuyên ngành thì những luật về kêu gọi đầu tư… và phải có cơ chế cho phần đó", Thứ trưởng nói.

Từ đó, ông Đông cho rằng phải kêu gọi đầu tư ở khối bên ngoài nhà nước nhưng phải xác định rõ những hạng mục nào cần kêu gọi; xác định rõ hạ tầng đường sắt, nhất là đường sắt quốc gia vẫn phải nhà nước đầu tư nhưng phải linh hoạt trong việc giao, thuê hoặc nhượng quyền khai thác cho tư nhân. Ví dụ như đầu tư cả tuyến Hà Nội - Vinh, thì nhà nước phải đầu tư khoảng 80%, còn tư nhân có thể đầu tư đầu máy, toa xe vào khai thác một số ga trung tâm.

Tin mới lên