Tiêu điểm

'Chưa quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại Sầm Sơn'

(VNF) - Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định tỉnh này "chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường".

'Chưa quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại Sầm Sơn'

Bí thư Trịnh Văn Chiến. Ảnh: Zing.vn

Sáng 7/3, hàng trăm người dân được mời đến dự cuộc đối thoại với lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hóa về những khúc mắc liên quan tới dự án cải tạo bãi biển Sầm Sơn.

Ngư dân Sầm Sơn cho rằng 2 địa điểm neo đậu tàu thuyền mà UBND tỉnh Thanh Hóa dự tính di dời ngư dân tới nhằm phục vụ dự án cải tạo bãi biển thì một nơi có thể "gây nguy hiểm cho bà con", một nơi quá xa. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người suốt hơn 10 ngày qua đã kéo tới trụ sở UBND tỉnh và khu trung tâm TP Thanh Hóa tập trung phản đối.

"Tỉnh chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường", ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tuyên bố trong cuộc đối thoại với ngư dân hôm nay.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết: "Để xảy ra việc người dân tập trung trong những ngày qua ở một số cơ quan trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm lớn. Tôi nghe nói rất nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi ngược chủ trương của Nhà nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng nhằm kích động người dân. Đây là việc làm vi phạm pháp luật. Tôi xin khẳng định, biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của nhân dân Sầm Sơn, nhưng nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, không có chuyện tỉnh thu bờ biển để giao cho doanh nghiệp".

Ông Chiến cũng nói rằng trong những năm qua, Nhà nước và các nhà đầu tư đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển Sầm Sơn, du lịch Sầm Sơn. Trong quá trình triển khai dự án nhằm đưa bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất trong cả nước, có một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng đa số người dân chưa đồng tình với chính sách.

"Đây là chủ trương đã có từ lâu nhưng chính sách thì mới ban hành ngày 1/3/2016 cho nên người dân chưa thấy được lợi ích từ chính sách này. Đồng thời với việc này, tỉnh cũng đã rà soát lại tất cả các văn bản chỉ đạo di dời bến thuyền của Sầm Sơn triển khai dự án. Các văn bản thể hiện rõ quan điểm việc xây dựng bến neo đậu mới, đảm bảo đời sống của ngư dân…", ông nói.

Trước tình hình hiện nay, ông Chiến đề xuất nếu ngư dân đồng ý với chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quyết định 705 ngày 1/3/2016 thì nhận tiền hỗ trợ, thực hiện các cam kết. Nếu ngư dân chưa thống nhất với chủ trương thì cứ hoạt động, ra biển, làm nghề bình thường như lâu nay.

"Tỉnh chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân địa phương; hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất hiệu quả; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm kích động người dân có những hành vi vi phạm pháp luật", ông nói.

Trước đó, tập đoàn FLC, đơn vị được giao triển khai dự án có thông cáo nêu rõ quan điểm của mình, theo đó FLC không liên quan gì đến các khiếu kiện khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa.

"Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân... Tập đoàn FLC nhận mặt bằng sạch từ chủ đầu tư và đang tích cực triển khai dự án", thông cáo viết.

Dự án quy hoạch không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, có tổng vốn 315 tỷ, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Nhà đầu tư được lựa chọn Tập đoàn FLC. Theo tiến độ, dự án này phải hoàn thành trước 30/4/2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn. Ước tính, vùng dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 4.000 ngư dân.

Tin mới lên