Ngân hàng

Chưa tính dự phòng, Sacombank lãi 1.000 tỷ sau 5 tháng

(VNF) – Trong 5 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi, chưa tính đến các chi phí xử lý nợ và các khoản thu nhập bất thường của Sacombank ước tính đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chưa tính dự phòng, Sacombank lãi 1.000 tỷ sau 5 tháng

Chưa tính dự phòng, Sacombank lãi 1.000 tỷ từ hoạt động cốt lõi sau 5 tháng đầu năm 2017

Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) vừa có báo cáo ngắn về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong đó có đề cập đến nội dung cuộc họp giữa Sacombank với giới phân tích tài chính.

Về băn khoăn ước tính tổng giá trị có thể tổn thất từ các khoản nợ xấu còn tồn đọng của Sacombank là bao nhiêu, phía Sacombank cho biết hiện ngân hàng này vẫn chưa có đủ cơ sở để đánh giá một cách chính xác tổng số tổn thất thực tế.

Tuy nhiên, theo Sacombank, phần lớn các tài sản tồn đọng này, bao gồm cả khoản lãi dự thu và nợ bán cho VAMC, ước tính khoảng 80 nghìn tỷ đồng và đều có tài sản đảm bảo (TSĐB).

Phía Sacombank cho biết thêm, giá trị các TSĐB được bên thứ 3 định giá vào tháng 6/2016 ước tính là 77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các tài sản liên quan đến bất động sản (64 nghìn tỷ đồng), còn lại chứng khoán và các tài sản khác (13 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, Sacombank kỳ vọng có thể thu hồi toàn bộ nợ gốc và một phần lãi dự thu (có thể từ 10% đến 100% tùy vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của thị trường bất động sản).

Sacombank

Phía Sacombank cho biết, hiện ngân hàng này có khoảng 80 nghìn tỷ đồng nợ xấu tồn đọng, đều có tài sản đảm bảo với giá trị đảm bảo lên tới 77 nghìn tỷ đồng

Đánh giá về khả năng thu hồi nợ thông qua TSĐB, đại diện Sacombank nhìn nhận, một trong số TSĐB của Sacombank có quỹ đất rất lớn ở trung tâm thành phố. Với diễn biến của thị trường BĐS trong giai đoạn vừa qua, giá trị của những tài sản này đã tăng lên đáng kể.

Trong số các TSĐB là dự án BĐS, Sacombank dự tính sẽ đánh giá lại tính khả thi của dự án để tham gia tái tài trợ, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh tình trạng đảo nợ. Hiện tại, có một số dự án Sacombank đánh giá có tiềm năng khai thác lớn, đó là dự án mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh 134ha, khu công nghiệp ở Long An giáp Tp.HCM rộng hơn 1.000ha.

Theo phía Sacombank, các TSĐB này tương đối tập trung, khoanh vùng ở khoảng 10 nhóm khách lớn, chiếm 80% tổng dư nợ, giúp cho việc xử lý tinh gọn hơn. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ xử lý được 15 – 20 nghìn tỷ đồng và kỳ vọng trong vòng 3 năm có thể hồi được hơn 50 nghìn tỷ đồng. Phần còn lại sẽ xử lý dứt điểm trong 2 năm còn lại.

Ngoài ra, với quy định mới trong dự thảo về Nghị quyết xử lý nợ xấu và sửa đổi bổ sung một số điều Luật của tổ chức tín dụng, việc mua mua bán nợ và các TSĐB sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường đòng thời cho phép ngân hàng phân bổ lãi dự thu linh hoạt hơn, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ xấu.

Đối với việc sử dụng dự phòng để xử lý nợ tại VAMC, theo quy định của NHNN, NHTM thực hiện trích lập dự phòng cho TPĐB VAMC trong thời hạn tối đa 5 năm. Tuy nhiên, trong đề án tái cơ cấu của Sacombank, NHNN đã cho phép Sacombank kéo dãn thời hạn trích lập lên đến 10 năm. Mức trích lập hàng năm sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính của Sacombank, đồng thời vẫn đảm bảo cho hàng năm cho ngân hàng đều có lãi.

Sacombank

Dự kiến năm 2017, Sacombank sẽ xử lý được 15 – 20 nghìn tỷ đồng và kỳ vọng trong vòng 3 năm có thể hồi được hơn 50 nghìn tỷ đồng

Một thông tin đáng chú ý khác cũng được phía Sacombank tiết lộ, đó là tình hình hoạt động kinh doanh trong những tháng đầu năm.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi, chưa tính đến các chi phí xử lý nợ và các khoản thu nhập bất thường, ước tính đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng chính đến từ cho vay khách hàng cá nhân, tăng hơn 14%, chiếm 56% tổng dự nợ. Trong đó, cho vay mua nhà cá nhân chiếm khoảng 24%, cho vay tiêu dùng và sinh hoạt khoảng chiếm 15%. Nguồn vốn huy động cũng chủ yếu đến từ các khách hàng cá nhân, chiếm 89%.

Hiện Sacombank đang cơ cấu lại nguồn vốn huy động do chi phí huy động của ngân hàng Phương Nam khá cao. Nếu lãi suất huy động giảm 0,3%, Sacombank ước tính có thể tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ mỗi năm.

Ngoài ra, hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng ổn định, chủ đến từ mảng thẻ và ngân hàng thương mại điện tử, đạt trung bình 20%/năm.

Sacombank

5 tháng đầu 2017, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi, chưa tính đến các chi phí xử lý nợ và các khoản thu nhập bất thường của Sacombank ước tính đạt 1.000 tỷ đồng

Về chiến lược phát triển của Sacombank trong giai đoạn sắp tới, ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục phát triển lợi thế của trong mô hình ngân hàng bán lẻ với mạng lưới hoạt động lớn.

Trong đề án tái cấu trúc được NHNN phê duyệt, Sacombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 18% -20%/năm trong vòng 5 năm nhưng vẫn sẽ đảm bảo phát triển thận trọng và an toàn.

Ngoài ra, Sacombank sẽ triển khai mô hình kinh doanh mới là bán chéo sản phẩm đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ngân hàng đánh giá đây là một thị trường có tiềm năng khai thác rất lớn. Nếu đề án được thông qua, trong 5 năm đầu, có thể đóng góp cho Sacombank khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu.

Tin mới lên