Chứng khoán

Chứng khoán 7 tháng đầu năm: Tâm lý lạc quan

(VNF) - Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng 13,84%, là chỉ số có mức tăng tốt nhất khu vực ASEAN.

Chứng khoán 7 tháng đầu năm: Tâm lý lạc quan

Ảnh minh họa

Theo dõi thị trường cho thấy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian gần đây đón nhận nhiều thông tin tích cực như Luật Nhà ở cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà có hiệu lực ngày 1/7;

Luật Đầu tư mới đã đơn giản hóa quy định kinh doanh, đặc biệt là các cuộc xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Mỹ gần đây thu hút nhiều quỹ đầu tư tham gia.

Mới đây nhất là việc mở cánh cửa cho nhà đầu tư ngoại theo NĐ 60/2015 của Chính phủ đã tác động tích cực lên TTCK Việt Nam, khiến VN-Index đã vượt qua mốc 600 điểm.

Thống kê của NĐT cho thấy TTCK Việt Nam đang thu hút mạnh vốn đầu tư ngoại. Theo quan sát, từ tháng 5 đến nay, hoạt động mua vào của khối ngoại được đánh giá là mạnh nhất trong vài năm trở lại đây.

Trong quý II/2015, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD cổ phiếu, cao nhất kể từ năm 2007. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bơm ròng hơn 5.673 tỷ đồng (tương đương 258,8 triệu USD) vào TTCK Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Theo Công ty Chứng khoán FPT, "điều này lý giải tại sao thanh khoản trên thị trường cải thiện đáng kể, tổng giá trị giao dịch đã tăng từ 2.500 tỷ đồng/phiên lên đến trên 4.000 tỷ đồng/phiên".

Theo tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán VN (VSD), tính đến 31/7, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 18.068 nhà đầu tư nước ngoài trong đó có 2.727 nhà đầu tư tổ chức và 15.341 nhà đầu tư cá nhân.

Như vậy, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, có 358 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và 140 tổ chức nước ngoài được cấp mã số giao dịch.

Động thái này được các chuyên gia nhận định là hiệu ứng tốt đến từ chính sách "nới room" cho các nhà đầu tư nước ngoài (từ 49% lên tới 100%), của Chính phủ Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thông thường trên thị trường luôn có một số nhóm ngành có mức độ ảnh hưởng lan tỏa khác nhau đối với vai trò dẫn dắt thị trường.

Chẳng hạn như trong năm 2014, nhóm ngành dầu khí đã tạo được sự lan tỏa ra toàn thị trường vì nhóm cổ phiếu ngành này có trong hầu hết các ngành xây lắp, dịch vụ cảng, vận tải…

Bước sang năm 2015, nhóm ngành ngân hàng đã khéo léo dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường và đang tạo ra một hiệu ứng lan tỏa nhất định.

Ngoài thông tin nới "room" thì yếu tố có tác động không nhỏ chính là kết quả của nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2015 được đánh giá là tích cực.

Hầu hết các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu đã có phương án xử lý thành công, nợ xấu toàn ngành được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng đạt đúng lộ trình và kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng được cái thiện rõ nét.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MBS, sau khi đi lên vùng 600 - 620 điểm, là vùng dự kiến VN-Index sẽ đạt đỉnh trong năm nay, thị trường sẽ có khả năng điều chỉnh kéo dài hơn 3 tháng, tức khoảng tháng 9 - 10.

Cơ sở cho nhận định này là tương quan cung cầu. Dựa vào lý thuyết chu kỳ và lý thuyết về sóng, MBS tính toán, chu kỳ tạo đáy ở vùng 528 điểm thì mỗi đợt sóng lên theo chu kỳ, thị trường sẽ tăng khoảng 100 điểm, sau đó khả năng sẽ điều chỉnh và sideway răng cưa đi xuống.

Tuy nhiên, theo dự báo của một số CTCK, từ nay đến tháng 9, thị trường vẫn sẽ có những diễn biến khả quan. Những phiên điều chỉnh sẽ không tác động nhiều tới xu hướng tăng chung của toàn thị trường.

Trong đó, dòng tiền từ khối ngoại được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn khi chính sách nới "room" bắt đầu có hiệu lực, trở thành tín hiệu kích hoạt, thu hút dòng tiền nội tham gia thị trường.

Tin mới lên